‘Không thể thua các nước về an ninh mạng’

Luật sư, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh như thế tại hội thảo góp ý Luật An ninh mạng, do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức ngày 2-3.

Góp ý tại hội thảo, đại diện Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho rằng sự ra đời của luật này là rất quan trọng đối với tình hình an ninh chính trị của cả nước, cũng như đối với TP.HCM nói riêng.

Theo vị này, tình hình an ninh chính trị của TP.HCM vô cùng phức tạp, nhất là cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, đặc biệt là các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài… Và trong không gian mạng thì điều này càng vô cùng khó khăn.

Đại diện Ban Nội chính cũng cho rằng cần có quy định các doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam. Bởi như thế các doanh nghiệp có thể can thiệp, ngăn chặn không để xảy ra các sự vụ ảnh hưởng lớn cho an ninh chính trị quốc gia.

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đang góp ý tại hội thảo về dự thảo Luật An ninh mạng. Ảnh: LÊ THOA

Nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo góp ý cho Luật An ninh mạng cũng bày tỏ nhiều lo lắng vì những nguy hiểm đến từ các tội phạm mạng.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, giảng viên ĐH An ninh nhân dân, cho rằng hiện nay nổi lên hình thức các đối tượng phản động lưu vong lợi dụng mạng Internet để tuyên truyền, kích động các tư tưởng chống phá, khủng bố, phá hoại, gây bạo loạn. Chưa kể trong phòng, chống gián điệp mạng, đối tượng này không chỉ đánh cắp bí mật nhà nước mà còn đưa ra nước ngoài chống phá Việt Nam. Vì thế dự luật cần mở rộng phạm vi, đối tượng để xử lý vấn đề này.

Ở một khía cạnh khác, đại diện Công an TP.HCM, bà Võ Thị Giang, bày tỏ băn khoăn khi các thông tin cá nhân thường bị rò rỉ, quyền lợi cá nhân bị xâm phạm, quấy nhiễu một cách không mong muốn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo bà Giang, dự luật chưa quy định cơ chế bảo vệ cũng như cách xử lý đối với những trường hợp này.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng người sử dụng mạng cần được cung cấp đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình, được khuyến cáo cụ thể để không vô tình vi phạm.

“Cá nhân chúng ta khi đọc đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng đều lo sợ. Vì mạng thì ai cũng dùng nhưng trong luật thì quyền lợi chưa nêu đầy đủ trong khi trách nhiệm thì lại rất lớn”.

Luật sư Hòa cho rằng người dân phải có quyền được cung cấp kịp thời thông tin, được khuyến cáo. Nếu không người dân sẽ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng đối với người dân, quan trọng là sự thuận lợi. Theo đó, khi ban hành luật, người dân phải biết mình nên làm gì, không nên làm gì. Luật phải dễ hiểu, gọn nhẹ, đến lúc có vi phạm thì xử lý cũng dễ dàng.

“Chúng ta không thể thua các nước trong lĩnh vực an ninh mạng; không thể thua trong lĩnh vực khai thác công nghệ để phát triển quốc tế” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết, Luật An ninh mạng phải đảm bảo quyền của công dân khi sử dụng dịch vụ do mạng Internet mang lại. Luật cũng phải đảm bảo chặt chẽ khi xử lý các vi phạm. “Chúng ta quản lý như thế nào để các dịch vụ mạng không được ảnh hưởng đến người dân nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia của mình” - bà Tuyết nhấn mạnh.

LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.