Kiểm sát viên viết giùm đơn bãi nại

Chuyện lạ này xảy ra trong vụ Đỗ Vũ Linh gây tai nạn giao thông chết người, bị đưa ra xét xử tại TAND TP Vị Thanh (Hậu Giang).

Kiểm sát viên viết giùm đơn bãi nại ảnh 1

Viết giùm đơn và ký tên

Theo hồ sơ, tối 13-10-2010, Linh chạy xe máy gây tai nạn khiến một nạn nhân tử vong nên bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong vụ này, tháng 2-2011, kiểm sát viên PCL được lãnh đạo VKSND TP Vị Thanh phân công ngồi ghế công tố ở phiên tòa sơ thẩm. Ngày 10-2, kiểm sát viên L. mời các bên đến làm việc. Đại diện gia đình nạn nhân kể lại: “Buổi làm việc này có Linh cùng mẹ của Linh. Kiểm sát viên L. và mẹ của Linh đã nhờ tôi làm đơn bãi nại. Tôi biết chữ nhưng không biết cách viết sao nên lúc đó kiểm sát viên L. đề nghị viết giùm tôi rồi tất cả cùng ký tên vào”.

Kiểm sát viên L. thừa nhận chuyện ông viết giùm đơn bãi nại và lý giải “do cả hai bên bị cáo lẫn nạn nhân không biết chữ”. Ông cho biết thêm sau đó ông đã chuyển hồ sơ truy tố sang tòa, có kèm cả lá đơn bãi nại này (được đánh dấu bút lục của VKS).

Hai tháng sau, tại phiên sơ thẩm, kiểm sát viên L. đề nghị TAND TP Vị Thanh phạt Linh 36 tháng tù treo nhưng tòa không chấp nhận, tuyên Linh 18 tháng tù. Linh kháng cáo xin hưởng án treo nhưng xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang cũng y án.

Không đảm bảo khách quan

Từ vụ việc trên, một vấn đề phát sinh: Theo quy định, kiểm sát viên có được viết giùm đơn bãi nại trong vụ án mình đang giải quyết?

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) nhận xét việc một kiểm sát viên viết giùm đơn bãi nại không có gì sai nếu như không mang chức danh tố tụng. Ở đây, kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng nên vi phạm vào khoản 2, khoản 3 Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự bởi việc viết giùm rồi ký tên của kiểm sát viên chẳng khác gì làm chứng cho một giao kết xảy ra. Kiểm sát viên vừa là người tiến hành tố tụng, vừa là người làm chứng cho một giao kết trong vụ án thì vô hình trung kiểm sát viên tiếp tục vi phạm khoản 3 Điều 42 Bộ luật Tố tụng hình sự (có căn cứ khác để cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ).

Theo ông Thêm, nếu kiểm sát viên thật sự muốn vô tư giúp đỡ các bên thì phải từ chối tham gia tố tụng hoặc đề nghị cơ quan thay đổi người tiến hành tố tụng. Chuyện sơ sót này tưởng lặt vặt nhưng không hề đơn giản bởi tố tụng hình sự đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải triệt để tuân thủ các quy định trên nguyên tắc chỉ được làm những gì luật cho phép làm chứ không thể tùy tiện.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng việc làm của kiểm sát viên L. không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người giữ vai trò công tố theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là chuyện đáng tiếc bởi ít nhiều đã vô tình tạo dư luận không tốt rằng có sự không khách quan...

Sẽ họp xem xét

Chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo VKS tỉnh. Với việc làm hi hữu này của kiểm sát viên, chúng tôi cần có một cuộc họp để xem xét, xác minh. Nếu đúng như vậy thì kiểm sát viên đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. Sau khi làm rõ xong sự việc, chúng tôi sẽ gửi văn bản chính thức đến báo để trả lời cụ thể rằng việc làm của kiểm sát viên L. đúng hay sai tới đâu cùng hướng xử lý.

Ông NGUYỄN ĐỒNG KHỞI, Viện trưởng VKSND TP Vị Thanh

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm