Kiện đòi nhà, sao tòa không thụ lý?

Theo hồ sơ, gần 10 năm trước, do phải đi làm ăn ở xa, không tiện về nhà nên bà H. (huyện Cần Đước, Long An) đã cho một người em ở nhờ nhà của mình.

Buộc bổ sung chứng cứ

Gần đây, bà H. đòi lại nhà nhưng người em không chịu trả. Bà đã nhờ địa phương giải quyết nhưng các lần hòa giải vẫn không thành. Em bà H. cho rằng nhà này là nhà chung của hai chị em. Sau khi chị đi, bà đã sửa chữa, xây dựng. Do vậy, người chị cần phải chia nửa nhà đất cho bà. Tuy nhiên, bà H. đã không đồng ý, yêu cầu người em phải trả lại toàn bộ.

Thỏa thuận không xong, đầu năm 2010 bà H. làm đơn khởi kiện gửi TAND huyện Cần Đước. Bà cho rằng tài sản trên của bà đã được cấp giấy chứng nhận chủ quyền. Nay bà buộc người em phải trả lại nhà, đất cho bà.

Sau khi xem xét, tòa án huyện đã trả lại đơn kiện, yêu cầu bà H. bổ sung các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện như giấy tờ có liên quan đến việc cho ở nhờ… thì tòa mới thụ lý.

Kiện đòi nhà, sao tòa không thụ lý? ảnh 1

Lúc này, bà H. đã báo cho tòa rằng việc bà cho người em ở nhờ chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng hay viết giấy tay gì cả. Do đó bà không thể cung cấp như yêu cầu của tòa. Tuy nhiên, việc tranh chấp trên đã qua hòa giải ở địa phương, đồng thời bà có đầy đủ giấy tờ chủ quyền nhà đất nên vụ kiện của bà đã đủ điều kiện để thụ lý, giải quyết.

Thế nhưng sau đó tòa huyện cũng vẫn trả lại đơn với lý do tương tự như đã trả lại đơn lần trước.

Vẫn không thụ lý

Không đồng ý với việc trả đơn, bà H. đã khiếu nại lên chánh án tòa án huyện. Lãnh đạo tòa đã bác khiếu nại, giữ nguyên thông báo trả đơn. Bà H. khiếu nại đến chánh án TAND tỉnh Long An.

Giải quyết đơn, chánh án tòa án tỉnh cho rằng bà H. khởi kiện yêu cầu tòa công nhận nhà, đất thuộc quyền sở hữu của bà, đồng thời buộc những người liên quan chấm dứt hành vi chiếm giữ nhà. Đây là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Vụ án thuộc thẩm quyền của tòa huyện.

Chánh án quyết định hủy các thông báo trả đơn kiện, đề nghị tòa huyện nhận đơn khởi kiện cùng các chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án.

Đồng thời, ngày 29-7, viện trưởng VKSND huyện Cần Đước cũng có kiến nghị yêu cầu tòa án huyện phải thụ lý vụ kiện của bà H. Theo viện trưởng, sau khi nghiên cứu hồ sơ, thấy rằng việc tòa án huyện không thụ lý đơn kiện là không đúng. Bởi khi khởi kiện, bà H. đã cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy xác nhận có cho người em mượn tạm nhà đất… Những chứng cứ này đã đáp ứng được điều kiện thụ lý đơn kiện.

Dù vậy, theo bà H., vụ kiện của bà hiện vẫn giậm chân tại chỗ và bà đang phải khiếu nại (lần hai) đến TAND tỉnh Long An để nhờ tòa này can thiệp.

Đã đủ các chứng cứ ban đầu

Theo quy định, khi khởi kiện, người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Dù luật không quy định chi tiết, cụ thể là các chứng cứ nào, mức độ ra sao ở từng loại vụ án nhưng trên thực tế, tòa vẫn có thể xem xét, cảm nhận được đâu là các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là hợp pháp. Những chứng cứ này đôi khi rất đơn giản như tờ nhận nợ, giấy tờ chủ quyền nhà đất, biên bản hòa giải tranh chấp đất đai không thành… Thực tế quy định này để sàng lọc bớt những vụ kiện “trời ơi”, thiếu căn cứ mà thôi. Còn trong vụ này, bà H. tranh chấp đất đai, nhà cửa với người em. Bà H. cũng đã đưa ra được giấy tờ chủ quyền nhà đất, vụ việc cũng đã qua hòa giải (không thành) ở địa phương... Thiết nghĩ đây đã là các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh việc khởi kiện là hợp pháp. Tòa án phải thụ lý giải quyết chứ không thể trả lại đơn…

Luật sư PHAN THANH SƠN

MINH VY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm