Kiện tòa vì kê biên sai, được không?

Đương sự có quyền kiện tòa đòi bồi thường khi tòa có các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng sai pháp luật? Điều kiện, trình tự, thủ tục khởi kiện ra sao?

Vụ việc đã đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 22-7. Có thể tóm tắt như sau: Vợ chồng ông M. bị người khác kiện ra TAND huyện Tân Châu (Tây Ninh) đòi nợ. Theo yêu cầu của nguyên đơn, tòa đã ra quyết định phong tỏa hơn 20 ha đất mà tòa nghĩ là của vợ chồng ông M. để đảm bảo thi hành án. Cho rằng quyết định kê biên này sai, ông M. khiếu nại nhưng bị chánh án TAND huyện Tân Châu bác đơn. Ông M. kiện tòa để đòi bồi thường thiệt hại cũng không được thụ lý...  

Từ vụ này, nhiều vấn đề pháp lý đã được đặt ra: Đương sự có quyền kiện tòa đòi bồi thường khi cho rằng tòa ra quyết định sai trong quá trình giải quyết án dân sự  hay không? Điều kiện, trình tự, thủ tục khởi kiện như thế nào?

Phải đủ điều kiện, đúng trường hợp

Theo nhiều chuyên gia, quyền khiếu nại, khởi kiện hành vi, quyết định của tòa trong hoạt động tố tụng dân sự để đòi bồi thường thiệt hại đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007). Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ các quy định rất chặt về điều kiện, phạm vi trách nhiệm bồi thường.

Cụ thể, về điều kiện, theo Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đương sự phải có trong tay văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán (Văn bản này chính là quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng). Cạnh đó, phải có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của thẩm phán gây ra.

Có văn bản kết luận, có thiệt hại xảy ra rồi nhưng không phải trường hợp nào đương sự cũng được khiếu nại, khởi kiện để đòi bồi thường. Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự gây ra trong các trường hợp: Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức; ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Kiện tòa vì kê biên sai, được không? ảnh 1

Khiếu nại trước, khởi kiện sau

Đúng trường hợp được quy định bồi thường thiệt hại rồi, đương sự còn phải trải qua nhiều bước khiếu nại đề đòi bồi thường trước khi khởi kiện ra tòa. Vì ở đây là hoạt động tố tụng dân sự nên việc khiếu nại sẽ phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trước hết, đương sự phải khiếu nại lên chánh án nơi quản lý thẩm phán đã có hành vi, quyết định tố tụng để yêu cầu xem xét, kết luận hành vi, quyết định tố tụng đó là trái pháp luật. Nếu người có hành vi, quyết định tố tụng là chánh án thì đương sự khiếu nại lên chánh án tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn quy định, chánh án phải xem xét, kết luận bằng văn bản về hành vi trái pháp luật hoặc không trái pháp luật của thẩm phán.

Tiếp đó, khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán, đương sự gửi đơn yêu cầu bồi thường đến tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tòa án đã ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ðơn này phải tuân thủ đúng hình thức quy định tại Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Kèm theo đơn là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán và tài liệu, chứng cứ liên quan.

Nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường, tòa sẽ kiểm tra, thụ lý, xác minh thiệt hại và thương lượng việc bồi thường và ra quyết định giải quyết bồi thường. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà tòa không ra quyết định hoặc kể từ ngày đương sự nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì đương sự có quyền khởi kiện.    

Lúc này, tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết đơn kiện là tòa cấp huyện nơi đương sự cư trú, làm việc, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của đương sự  hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Không thụ lý là đúng!

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Đại học Luật TP.HCM), trường hợp cụ thể của vợ chồng ông M. không thuộc diện được bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Điều đáng tiếc là khi trả lại đơn kiện, TAND huyện Tân Châu lại không giải thích rõ ràng, làm vợ chồng ông bức xúc. 

Vợ chồng ông M. đã bị chánh án TAND huyện Tân Châu bác đơn khiếu nại về quyết định kê biên, tức vợ chồng ông không đủ điều kiện có “văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán”.  Từ đó, vợ chồng ông M. không thể tiến hành việc khởi kiện đòi bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

TS Tiến nhận xét, việc tòa phúc thẩm sửa quyết định kê biên của cấp sơ thẩm khi xử phúc thẩm vụ tranh chấp của vợ chồng ông M. không phải là “văn bản xác định hành vi trái pháp luật của thẩm phán”. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ tranh chấp này chỉ có thể bị đánh giá về khả năng áp dụng pháp luật mà thôi.

T.NGUYÊN - T.HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm