Kỳ họp cuối năm: Quốc hội sẽ tăng tranh luận

Sáng 14-7, tiếp tục phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.

Giảm 2 phút phát biểu để dành tranh luận

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 10 dự kiến là 18 ngày, cũng chia làm hai đợt.

Đợt 1 họp trực tuyến chín ngày (từ ngày 19 đến 28-10), QH khai mạc, nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận sáu dự án luật, một dự thảo nghị quyết trình thông qua. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong khoảng thời gian này.

Đợt 2 họp tập trung chín ngày (từ ngày 3 đến 12-11), QH thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng 13 và thảo luận bốn dự án luật trình cho ý kiến.

Ngoài ra, QH sẽ quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) QH khóa XV, bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất ngày khai mạc nên tổ chức đúng 20-10. Việc thảo luận ở tổ vẫn được tổ chức nhưng giảm thời gian phát biểu của một ĐBQH tại hội trường từ 7 phút xuống còn 5 phút, thời gian tranh luận là 2 phút nhằm tạo điều kiện có thêm nhiều ĐBQH được phát biểu, tranh luận với chất lượng cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (giữa) tại phiên họp sáng 14-7. Ảnh: QH

Phóng viên được gọi điện thoại, phỏng vấn đại biểu Quốc hội

Kỳ họp cuối năm có thời gian chất vấn của ĐBQH dự kiến là 2,5 ngày. Chủ tịch QH lưu ý việc bố trí thời gian cần linh hoạt, phù hợp với hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bởi năm nay Việt Nam làm chủ tịch ASEAN. “Người ta nói kỳ họp vừa rồi hơi “thiếu lửa” do không có chất vấn trực tiếp” - Chủ tịch QH nêu lại phản ảnh của cử tri về kỳ họp thứ 9 vừa qua.

Bà Ngân đề nghị kỳ họp tới sẽ tiến hành chất vấn tổng kết nhiều nội dung từ đầu nhiệm kỳ, không chất vấn theo nhóm vấn đề và từng bộ trưởng trả lời. “ĐB chất vấn vấn đề thuộc bộ trưởng nào thì bộ trưởng đó phải trả lời” - bà Ngân nói.

Chủ tịch QH nêu nguyên tắc: Vấn đề gì thảo luận, cho ý kiến thì đưa vào đợt 1; vấn đề gì phải quyết định thì đưa vào đợt 2. Do vậy, Chủ tịch QH “gút lại” phiên chất vấn và thảo luận kinh tế - xã hội đưa vào đợt 2, khi QH họp tập trung.

Cạnh đó, bà Ngân cũng gợi ý khi họp trực tuyến, phóng viên được gọi điện thoại, phỏng vấn các ĐBQH trong giờ giải lao. Đây là cách làm mới, các đoàn ĐB cần thông báo cho ĐQBH biết để phối hợp trả lời báo chí.

Kỳ họp thứ 9: Ấn tượng, tạo tiếng vang lớn

Đánh giá về kỳ họp thứ 9 vừa qua, Chủ tịch QH cho rằng kỳ họp đã tạo ra một dấu ấn lớn trong thời điểm đại dịch COVID-19. “Một kỳ họp rất chất lượng, tiết kiệm. Đây là hoạt động tạo tiền đề tốt để QH phát huy trong các kỳ họp tiếp theo” - bà Ngân nói.

Tuy nhiên, kỳ họp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc chậm gửi tài liệu. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là vấn đề đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận, góp ý của các ĐBQH. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền tại đợt họp trực tuyến chưa được sâu sắc, đa dạng.

Còn Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng ghi nhận kỳ họp thứ 9 là kỳ họp ấn tượng sâu đậm với nhiều đổi mới đột phá. Trong bối cảnh nghị viện/QH nhiều nước chưa thể tổ chức họp vì diễn biến dịch bệnh còn khó lường thì lãnh đạo QH nước ta đã quyết liệt, dũng cảm quyết định họp theo hình thức trực tuyến. Dù thời gian làm việc chỉ 19 ngày nhưng giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng, tạo tiếng vang lớn trong nước và quốc tế như việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm