Lại vướng mắc đưa người nghiện đi cai bắt buộc

Đó là thông tin do bà Lê Thị Kim Liên – Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật Sở Tư pháp TP.HCM cho biết tại tọa đàm đánh giá thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành do Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức sáng nay (12-6) tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Bà Liên cho hay: Trước tháng 12-2014, TP.HCM là địa phương nóng nhất về tình hình quản lý người nghiện ma túy. Do vướng mắc của luật nên chưa thể quản lý chặt chẽ người nghiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thu hút đầu tư, du lịch và hình ảnh của thành phố.

Từ kiến nghị quyết liệt của thành phố trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết có nội dung cho phép các cơ sở xã hội tiếp nhận cắt cơn cho người nghiện không nơi cư trú. Sau khi có nghị quyết, TP.HCM đã đưa được gần 4.000 người không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để cai nghiện bắt buộc. Hơn một nửa trong số đó đã có phán quyết của tòa.

Cạnh đó, bà Liên và nhiều đại biểu khác từ các Sở tư pháp của 25 tỉnh thành khu vực phía Nam cũng chia sẻ những vướng mắc trong quá trình áp dụng biện pháp đưa người nghiện đi cai bắt buộc. Pháp luật quy định phải qua biện pháp giáo dục tại địa phương rồi mới áp dụng biện pháp đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp trước đây đã từng đi cai bắt buộc, hiện đang thi hành quyết định quản lý sau cai; hoặc đã hết thời hạn quản lý sau cai, nay tái nghiện thì bây giờ phải giáo dục tại địa phương hay lập hồ sơ đưa đi cai bắt buộc luôn? Trường hợp người tự cai, cai tại công đồng, gia đình nhưng nay tái nghiện thì có lập hồ sơ đưa đi cai bắt buộc hay không? Những trường hợp này hiện chưa có quy định hướng dẫn.

Sự chồng chéo của luật cũng khiến việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khó thực hiện. Chẳng hạn Luật Phòng chống ma túy quy định người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định, hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương mà vẫn nghiện thì áp dụng biện pháp đưa đi cai bắt buộc. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quy định chỉ từ 18 tuổi lên. “Cách hiểu về xác định thời điểm để tính thời hạn chấp hành quyết định đưa đi cai bắt buộc là thời điểm nào, chúng tôi cũng còn đang gặp khó do chưa có quy định cụ thể. Có thể hiểu tính từ thời điểm người nghiện được đưa vào cơ sở XH hay thời điểm quyết định của tòa có hiệu lực hay thời điểm đưa đến cơ sở XH” – bà Liên nêu vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm