Làm đường cao tốc gây nứt nhà dân

Ông Huỳnh Ngọc Ái, ngụ thôn Phú Lễ 2, phản ánh: Ngày trước họ ủi đất, san nền thì bụi bặm, ô nhiễm nhưng vẫn cố gắng chịu đựng. Nhưng từ ngày nhà thầu cho xe lu chạy rùng (chế độ nén chặt đất) thì nhà cửa trong khu vực này bị hư hỏng nặng.

Dẫn chúng tôi đi xem ngôi nhà bị nứt toác từ móng chạy dài lên tận mái, ông Ái ngao ngán: “Cứ mỗi lần xe lu đặt chế độ rùng là nhà cửa như trúng bão, nứt toác khắp nơi. Vừa rồi có đơn vị bảo hiểm vào kiểm tra để xác định thiệt hại. Cả ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu mà nhà tôi phải chắt bóp suốt mấy chục năm mới làm được mà họ bảo chỉ đền 40 triệu đồng”.

Cùng cảnh ngộ, bà Bùi Thị Lễ cho hay: “Nhà tôi giờ nứt hết, hư hỏng nặng. Tôi nhiều lần xin được giải tỏa đi nơi khác nhưng không được chấp nhận. Họ chỉ bồi thường cho tôi 7 triệu đồng, không đủ xây lại cái nhà bếp”. Bức xúc trước tình hình trên, người dân thôn Phú Lễ 2 đã nhiều lần ngăn chặn các đoàn xe tải và xe lu, thậm chí có lần đã xô xát với công nhân.

Người dân bức xúc vì thi công đường cao tốc gây nứt nhà. Ảnh: LT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thừa nhận việc thi công có làm rung nứt nhà dân. Nhưng việc bồi thường cho người dân do đơn vị bảo hiểm của nhà thầu thực hiện. “Phía bảo hiểm luôn muốn giảm giá bồi thường chứ quan điểm của chúng tôi là phải hỗ trợ tích cực cho người dân. Chúng tôi sẽ kiểm tra và làm việc lại với người dân để công trường được thi công thuận lợi” - ông Hưng nói.

Về phản ánh xe cộ chở đất đá phục vụ thi công đường cao tốc làm nát nhiều tuyến đường dân sinh, ông Hà Hoàng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã lập nhiều đoàn thanh tra kiểm soát tải trọng xe và xử lý sai phạm. Nhưng sau khi đoàn rút đi thì đâu lại vào đó.

“Sở đã làm việc với phía VEC (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam), họ cam kết sẽ phục hồi lại các tuyến đường dân sinh sau khi xong công trình” - ông Phương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm