Làng nghề “bức tử” làng quê

Mỗi ngày trung bình cả làng nghề xả ra môi trường khoảng 6.000 m3 nước thải chưa qua xử lý. Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy trong nước thải sản xuất bột mì ở Hoài Hảo có lượng độc tố cyanua rất lớn, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước ngầm và nước các sông lân cận. Hiện toàn bộ giếng nước ở thôn Tân Thạnh 2 bị ô nhiễm không còn sử dụng được; hàng loạt vườn dừa bị khô lá, không ra trái. Thực trạng trên khiến huyện phải đình chỉ hoạt động 192 cơ sở sản xuất bột mì.

Tương tự, làng rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn cũng đang chống chọi với nạn ô nhiễm môi trường. Nguồn nước đặc biệt của vùng này (là nguyên liệu chính làm nên thương hiệu rượu Bàu Đá nổi tiếng) hiện đã bị ô nhiễm trầm trọng do nhiều người dân tổ chức chăn nuôi heo với quy mô lớn trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Làng nghề “bức tử” làng quê ảnh 1

Một khu chứa nước thải bốc mùi nồng nặc ở làng sản xuất bột mì Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: UYÊN THU

Trao đổi với chúng tôi, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định thừa nhận đang lúng túng trong việc giữ gìn môi trường trong lành ở các làng nghề. Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ các hộ sản xuất xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng thực tế nhiều người chưa có ý thức bảo vệ môi trường”.

Theo ông Nguyễn Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, với sự tài trợ của chính phủ Thụy Điển, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đã triển khai chương trình “Sản xuất sạch hơn”. Chương trình đã giúp nhiều cơ sở, hộ sản xuất cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ mới có gần 80 cơ sở ở Hoài Hảo được phép sản xuất trở lại. “Theo tôi, giải pháp tối ưu là đưa các hộ sản xuất bột mì vào quy hoạch thành cụm công nghiệp” - ông Cường nói.

Riêng đối với làng rượu Bàu Đá, ông Cường cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất chính quyền hỗ trợ người dân xây dựng các hầm biogas để xử lý nước thải từ chăn nuôi; đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan khoanh vùng và có giải pháp bảo vệ mạch nước ngầm”.

UYÊN THU - TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm