Lo ngại ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai

Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) vừa thông báo khởi công dự án công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Theo Dona Coop, đây sẽ là nghĩa trang hiện đại bậc nhất Việt Nam, có vị trí và địa hình đẹp, thân thiện với môi trường, dịch vụ phong phú, chất lượng cao... Dự kiến dự án được hoàn thành giai đoạn một vào cuối năm 2011.

Nằm sát nguồn nước cấp sinh hoạt

Nghĩa trang Vĩnh Hằng nằm cách trung tâm TP Biên Hòa 12 km và cách TP.HCM khoảng 50 km. Dự án có diện tích 112 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, cung cấp gần 100.000 mộ phần và 96.000 chỗ lưu tro hài cốt. Theo chủ đầu tư, nghĩa trang này là một trong những nơi có phong thủy tốt nhất Việt Nam bởi nằm dọc dòng sông Đồng Nai.

Cụ thể, phía tây nghĩa trang chỉ cách sông Đồng Nai khoảng 100 m, phía tây bắc là hồ Trị An. Ở phần chính tâm phía tây còn có suối Cái, chảy theo hướng từ đông sang tây trước khi đổ ra sông Đồng Nai. Trong đó, suối Cái được cung cấp từ nguồn nước ngầm rỉ ra từ tầng chứa nước qua các mạch lộ trên sườn dốc của dải đồi phía đông nghĩa trang.

Tuy vậy, vị trí tuyệt đẹp của nghĩa trang lại gây ra quan ngại do quá trình chôn cất lâu ngày, việc phân hủy xác sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm và len vào sông Đồng Nai qua ngõ phía tây của nghĩa trang. Đáng chú ý, sông Đồng Nai là nguồn cung cấp cho các nhà máy nước của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM với số người sử dụng lên đến hàng triệu người.

Lo ngại ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai ảnh 1

Sơ đồ vị trí nghĩa trang Vĩnh Hằng. Ảnh: MP

"Lơ" nước rỉ từ 100.000 ngôi mộ

Theo tiêu chuẩn quốc gia về nghĩa trang đô thị, nguồn gây ô nhiễm nguồn nước từ nghĩa trang chôn cất một lần gồm nước rỉ ngầm từ các huyệt mộ (phát sinh từ quá trình phân hủy tự nhiên), nước thải từ các nhà vệ sinh công cộng và nước thải khi có mưa rửa trôi bề mặt phủ trong nghĩa trang. Khi xây dựng nghĩa trang, các chủ đầu tư phải có giải pháp xử lý những loại nước thải nêu trên.

Quy định là vậy nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng lại không đề cập đến lượng nước rò rỉ từ các ngôi mộ. ĐTM chỉ nêu khi dự án đi vào hoạt động sẽ có các nguồn gây ô nhiễm không khí như khói nhang, khí thải từ việc phân hủy xác, khí thải từ các lò thiêu… Phần dự báo sự cố, rủi ro về môi trường của ĐTM cũng lơ luôn vấn đề này. Tương tự, trong phương án giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, ĐTM chỉ đề cập đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải chứ không đề cập đến việc xử lý lượng nước rỉ phát sinh từ quá trình phân hủy.

Nhiều thắc mắc cần được giải đáp

Năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định 65 phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, tỉnh yêu cầu việc xả nước thải vào sông Đồng Nai ở khu vực dự án phải đạt loại A. Lý do là lượng nước tại đây được sử dụng làm nước nguồn cho các nhà máy xử lý nước. Tháng 3-2010, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định mới thay thế Quyết định 65 nhưng vẫn giữ lại những yêu cầu nghiêm ngặt về việc xả thải vào sông Đồng Nai.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, cho rằng tỉnh đã xem xét kỹ trước khi thông qua bản ĐTM của dự án. ĐTM đã có hệ thống thu gom, xử lý nước mưa và nước thải sinh hoạt và có hệ thống quan trắc tự động. Ngoài ra, khí thải phát sinh từ các lò thiêu cũng được thu gom, xử lý để không gây ô nhiễm môi trường. “Các ngôi mộ được xây dựng bằng bê tông cốt thép với kết cấu đáy xung quanh được lót toàn bộ lớp vải địa kỹ thuật nên đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh” - ông Chánh khẳng định.

Nhưng dựa vào đâu để khẳng định kỹ thuật thi công mộ nêu trên sẽ chống thấm, sẽ giữ lại nước từ xác phân hủy, đồng thời lấy gì đảm bảo chủ đầu tư sẽ tuân thủ theo kỹ thuật thi công đó… Những thắc mắc này, đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho hay sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Sawaco tìm hiểu về dự án

Hiện TP.HCM có ba nhà máy nước sinh hoạt lấy nguồn nước thô từ sông Đồng Nai để xử lý, cung cấp cho hàng triệu người dân TP. Cuối tuần qua, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã cử nhóm cán bộ kỹ thuật liên hệ với Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu các thông số kỹ thuật liên quan đến dự án. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các tác động môi trường có khả năng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai. Sau khi có kết quả cụ thể, Sawaco sẽ có văn bản báo cáo UBND TP.HCM để kiến nghị với tỉnh Đồng Nai nếu dự án này có những tác động xấu đến môi trường nước.

Ông TÔ TRUNG DŨNG, Chánh Văn phòng Sawaco

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm