Loại khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, nhũng nhiễu

Ngày 22-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2020.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTCP

Báo cáo cho thấy sáu tháng đầu năm, toàn ngành triển khai hơn 76.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 31 nghìn tỉ đồng, hơn 3,4 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 805 tập thể và 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 41 vụ, 46 đối tượng…

Cũng trong thời gian trên, thông qua công tác nghiệp vụ, lực lượng thanh tra phát hiện 26 vụ, 23 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; đồng thời kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 13 tỉ đồng, 76 ha đất; trả lại quyền lợi cho 501 người, kiến nghị xử lý hành chính 169 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận những kết quả mà ngành thanh tra đạt được trong sáu tháng đầu năm 2020.

Điển hình, lực lượng thanh tra đã tập trung thúc đẩy tiến độ nhiều cuộc thanh tra được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: thanh tra toàn diện Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường; kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện...

"Kết quả công tác thanh tra tiếp tục góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà ngành thanh tra cần khắc phục.

Theo đó, nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch, một số cuộc kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra còn hạn chế (tỷ lệ thu hồi còn thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2019).

Ngoài ra, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, khó lường nhất là trong lĩnh vực đất đai khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập và việc thực hiện một số kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng còn chậm; tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Việc kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị nhìn chung là hạn chế, có rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra nội bộ.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra cần xây dựng định hướng công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, mua sắm tài sản công…

TTCP cần tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định, khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp. Nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm