Loạn mua bán giấy chứng nhận tập huấn lái xe

Từ giữa năm 2010, Chính phủ và Bộ GTVT đã bãi bỏ quy định về cấp giấy chứng nhận tập huấn cho người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe khách từ 30 chỗ trở lên, lái xe buýt và tiếp viên, lái xe taxi... Theo Nghị định 34, các lực lượng chức năng cũng không còn kiểm tra, xử phạt những đối tượng trên khi họ không có giấy chứng nhận. Nhưng đến gần đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) và hiệp hội cơ sở vẫn cấp và đã diễn ra nạn mua bán giấy chứng nhận và các biến tướng khác.

Có tiền, khỏi học

Anh LVL ở quận 10 kể lại, do bị ông VH, người của Vata đến “hăm” không có giấy chứng nhận tập huấn khi lái xe sẽ bị cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt nên anh phải “chạy”. anh được một người chạy xe ôm ở Bến xe Chợ Lớn chào giá 700.000 đồng, đưa phôtô chứng minh nhân dân, ảnh, khỏi học và ba ngày sau có chứng nhận của Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM do Chủ tịch Hồ Văn Hưởng ký.

Còn anh TQT, chạy xe ở một hãng taxi được giới cò chỉ cách làm giấy y như anh LVL với giá là 1 triệu đồng. Vài ngày sau anh có được tấm giấy chứng nhận tập huấn lái xe taxi của Vata do Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng ký.

Ông Hồ Văn Hưởng đồng thời là phó chủ tịch Vata xác nhận hai loại giấy chứng nhận tập huấn trên là thật. “Theo quy trình, học viên học ở các trường, cơ sở gửi hồ sơ lên thì chúng tôi phải cấp giấy chứng nhận chứ làm sao biết họ có học hay không, đóng học phí cho ai, bao nhiêu. Chúng tôi cũng được biết nhiều trường, cơ sở lấy tiền của học viên cao hơn cả mức của hai hiệp hội đưa ra!” - ông Hưởng cho biết.

Loạn mua bán giấy chứng nhận tập huấn lái xe ảnh 1

Loạn mua bán giấy chứng nhận tập huấn lái xe ảnh 2

Những tấm giấy chứng nhận tập huấn do ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hồ Văn Hưởng ký.

Ồ ạt cấp hàng ngàn giấy

Theo cơ cấu tổ chức, Vata là hiệp hội cấp trên, Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP là hiệp hội cơ sở.

Tháng 8-2010, khi Bộ GTVT bãi bỏ quy định cấp các loại giấy chứng nhận tập huấn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Vata, ra văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP và các hiệp hội cơ sở khác dừng việc tổ chức tập huấn. Ông Hưởng cho hay từ đó các hiệp hội đã ngừng cấp giấy chứng nhận tập huấn.

Thực tế không như ông Hưởng nói. Từ đầu năm 2011, Vata và Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP vẫn cấp giấy chứng nhận tập huấn. Căn cứ theo số seri thì từ ngày 18-3 đến 30-6-2011, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký cấp hơn 5.000 giấy chứng nhận của Vata cho người lái xe taxi. Từ ngày 20-4 đến 4-7-2011 ông Hồ Văn Hưởng đã ký cấp hơn 500 giấy chứng nhận tập huấn của Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP cho nhân viên phục vụ trên xe vận chuyển khách. Theo ông Phan Thái Bình, phó đại diện của Vata tại miền Nam, theo quy định trước đây thì chỉ có giấy chứng nhận tập huấn do Vata cấp là có giá trị. Còn ông Hồ Văn Hưởng nói vì “lo” cho anh em lái xe, tiếp viên đi đường bỗng “cắc cớ” bị cảnh sát giao thông hỏi nên phải “sáng tác” ra giấy chứng nhận của hiệp hội mình để cấp cho họ… “lận lưng”!

“Biến tướng” phiếu kiểm tra

Những ngày qua, hàng loạt doanh nghiệp vận tải (bên A) ở TP nhận được bản hợp đồng tập huấn, kiểm tra kết quả học tập do người của Vata gửi tới. Theo bản hợp đồng, ông Hồ Văn Hưởng với chức vụ là trưởng cơ quan đại diện của Vata tại TP.HCM (bên B) sẽ đứng ta tổ chức tập huấn và cấp giấy xác nhận (chữ xác nhận được thay cho chữ chứng nhận) với chi phí 70.000 đồng/học viên. Điều đáng lưu ý, học viên vắng mặt nhưng muốn được kiểm tra thì đóng 25.000 đồng/người (!?). Kèm theo hợp đồng trên là mẫu phôi phiếu bài kiểm tra tập huấn giống y chang mẫu phôi giấy chứng nhận tập huấn. Học viên hoặc doanh nghiệp muốn có được tấm phiếu kiểm tra này với con dấu của đại diện Vata thì phải bỏ ra 50.000 đồng/phiếu.

Theo ông Huỳnh Văn Sỹ, Phó Tổng Giám đốc VinaSun taxi, phiếu kiểm tra này thực chất là biến tướng của giấy chứng nhận tập huấn trước đây. “Giấy chứng nhận tập huấn đã bị bãi bỏ thì các loại giấy biến tướng từ nó là không có cơ sở pháp lý để tồn tại! Mặt khác, nếu thuận theo yêu cầu của bên B thì VinaSun phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “mua” một loại giấy không giá trị!” - ông Sỹ bức xúc.

Ông Hồ Văn Hưởng cho rằng mình không tự tiện vẽ ra các bản hợp đồng và thu tiền tập huấn, cấp phiếu kiểm tra… mà là thực hiện chỉ đạo từ Vata do ông Nguyễn Mạnh Hùng ký ngày 26-9-2011. Theo đó, Vata giao cho văn phòng đại diện tại TP.HCM tổ chức kiểm tra kết quả tập huấn, phối hợp với Sở GTVT tổ chức các lớp tập huấn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn.

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chỉ đạo của Vata là không đúng với quy định của Chính phủ và quy chế phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vata. Theo đó, Vata chỉ có nhiệm vụ tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã… Sau đó những người này sẽ tập huấn lại cho nhân viên đơn vị. Các lớp tập huấn do doanh nghiệp mở ra như trên chỉ cần có sự giám sát, công nhận của cán bộ do Sở GTVT cử xuống. “Như vậy, hoàn toàn không có quy định nào cho phép Vata đứng ra tổ chức mở lớp tập huấn đến từng doanh nghiệp hoặc cử cán bộ xuống các lớp do doanh nghiệp mở để kiểm tra, xác nhận điểm thi và có thu… học phí!” - ông Thanh khẳng định. Cũng theo ông Thanh, do những việc làm không minh bạch trên của Vata cũng như văn phòng đại diện tại TP.HCM nên Sở GTVT đã chính thức có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm rõ để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như công tác quản lý nhà nước.

Họ đã nói

Hiệp hội vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP không hề có cuộc họp nào với các thành viên để ra quyết định về việc tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho lái xe, tiếp viên. Các giấy chứng nhận có đóng dấu của hiệp hội là việc làm của cá nhân ông Chủ tịch Hồ Văn Hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lèo, Chủ nhiệm HTX số 4

Vata và hiệp hội cơ sở là tổ chức nghề nghiệp, xã hội thì phải giúp các thành viên  thực hiện đúng các quy định của pháp luật chứ sao lại "đẻ" ra các loại giấy chứng nhận, phiếu điểm để thu tiền.

Ông Huỳnh Văn Sỹ, Phó Tổng giám đốc VinaSun Taxi

Tôi có tấm giấy chứng nhận với giá tiền là 700.000 đồng mà không cần phải học giờ nào. Việc "bán" dấu, "bán" giấy như thế còn diễn ra thì làm sao mà tài xế, tiếp viên có được đạo đức như mục tiêu của tập huấn đề ra. Bản thân các ông chủ tịch Vata và chủ tịch hiệp hội cơ sở khi ký "bán" những tờ giấy  như thế thì đạo đức ở đâu?

Anh Nguyễn Duy Hiền, lái xe taxi hãng M

LƯU ĐỨC – HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm