Loạn “xe hộ đê”: Cơ quan quản lý vô can?

Sau khi đăng loạt bài “Loạn “xe hộ đê”” phản ánh tình trạng nhiều xe được cấp và sử dụng tràn lan loại biển số “xe hộ đê” cũng như những xe mang biển “hộ đê” dỏm để được “ưu tiên 1”, được qua mặt cả CSGT, được miễn phí khi qua các trạm thu phí, qua phà… Pháp Luật TP.HCMnhận được phản hồi từ các cơ quan chủ quản của những chiếc xe này.

Chưa rõ thực hư

Trà Vinh có một xe bị phát hiện là 84E-0436. Được biết xe này trước đây được sử dụng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão nhưng hiện chỉ làm phương tiện đi công tác bình thường cho cán bộ lãnh đạo sở. Hiện tỉnh Trà Vinh chỉ có ba xe được cấp biển hộ đê nhưng trong đó không có xe 84E-0436. Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết sẽ kiểm tra để chấn chỉnh lại.

Về xe 65N-0901 ở Cần Thơ, bà Vương Thị Lập, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, cho biết ở Cần Thơ chỉ có ba xe ô tô được trung ương cấp biển hộ đê và không phải chiếc xe trên.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, xe 65N-0901 được đăng ký bởi DNTN VLXD Hưng Phát (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn). chủ DNTN này cho biết ông đã bán xe cho một người khác nên không rõ việc xe này mang biển “xe hộ đê”.

Công an tỉnh Bến Tre cho biết chủ sở hữu xe 071B-0417 trước đây là Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre, một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre xác nhận: Đây không phải là giấy được cấp chính thức. Do tài xế có bạn bè ở ngoài Hà Nội nên mới “chạy” được giấy này… để được hưởng ưu tiên (!).

Riêng xe ô tô 63D-0773 là của Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). PGS-TS Dương Văn Viện, Hiệu trưởng của trường, lý giải: Trường có chuyên ngành đào tạo về thủy lợi, đê điều nên trường đã đề nghị xin giấy xác nhận “xe hộ đê” để đi công tác và được cấp.

Trong khi đó, danh sách của Cục xác định không cấp biển hộ đê cho xe 63D-0773. Giải thích cho mâu thuẫn này, một phó hiệu trưởng của trường phân bua: “Đích thân tôi có lần nhân chuyến ra Hà Nội công tác đã đến ký nhận lấy giấy “xe hộ đê” về. Có thể giấy đã hết hạn và… chưa được cấp lại”!

Loạn “xe hộ đê”: Cơ quan quản lý vô can? ảnh 1

Xe biển trắng xài biển hộ đê giả ngang nhiên qua trạm thu phí theo diện ưu tiên. Ảnh: PN

Loạn “xe hộ đê”: Cơ quan quản lý vô can? ảnh 2

Hàng loạt biển “xe hộ đê” giả được Cục QLĐĐ&PCLB phát hiện. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Bà Rịa-Vũng Tàu: Tám biển hộ đê do tỉnh cấp

Ngày 23-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thông tin 10 chiếc xe biển số xanh của Bà Rịa-Vũng Tàu có gắn biển “xe hộ đê” được Cục QLĐĐ&PCLB cho là giả, ông Nguyễn Ngọc Lộc, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tám xe trong số đó đều có quyết định do tỉnh cấp biển “xe hộ đê” ghi thời hạn trong năm 2011.

Riêng chiếc xe mang biển số 72C-1078 hiện do Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đang sử dụng có biển “xe hộ đê” do trung ương cấp vì đơn vị này không thuộc quản lý của tỉnh. “Số xe 72C-1035 theo hồ sơ từ Phòng CSGT đường bộ tỉnh thì thuộc quyền quản lý, sử dụng của Sở TN&MT nhưng chúng tôi không cấp biển xe hộ đê cho xe này” - ông Lộc nhấn mạnh.

Theo nguyên tắc cấp biển hộ đê, xe được tỉnh cấp biển thì chỉ được đi lại trong phạm vi tỉnh, chỉ xe do trung ương cấp, có ký hiệu “TW”, có chữ ký cục trưởng Cục QLĐĐ&PCLB mới được lưu thông toàn quốc. Vậy tại sao Trạm thu phí Sông Phan lại ghi được hình ảnh một số xe của Bà Rịa-Vũng Tàu đi qua nơi này trong khi Cục khẳng định không hề cấp biển hộ đê? Ông Lộc lại nói: “Cũng có trường hợp các xe được điều động đi hỗ trợ cứu nạn tại các tỉnh lân cận nhưng phải có công văn. Nếu quả thật có những trường hợp như báo nêu, có chứng cứ thì cá nhân lái xe phải chịu trách nhiệm”.

Cấp biển hộ đê cho xe của DN để cứu… cà phê!

Ngày 23-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục QLĐĐ, cho biết Cục sẽ cho rà soát các biển nằm trong danh sách 530 xe mà đơn vị này cấp phép. Khi được hỏi tại sao những xe của cá nhân hay DN không liên quan đến hộ đê như cà phê, bưu điện, xuất nhập khẩu... vẫn nằm trong danh sách được cấp biển, ông Hoài giải thích: “Các DN kinh doanh cà phê chủ yếu ở Tây Nguyên, mà Tây Nguyên có nhiều thủy điện, hồ đập… nên phải cấp biển để cứu cà phê!!”.

Ông Hoài cũng cho rằng theo nguyên tắc, chỉ cấp giấy chứng nhận hộ đê cho các xe biển xanh thuộc cơ quan nhà nước, xe quân sự khi thi hành nhiệm vụ hộ đê. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khẩn cấp, một số đơn vị có thể huy động thêm phương tiện ngoài ngành để làm nhiệm vụ trợ giúp. Do đó, có thể các đơn vị này cho lập danh sách các xe hộ đê “sơ cua”.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm