Luật Cảnh vệ và vị thế của ngành tòa án

Chiều 6-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh vệ. Theo Điều 10 của dự luật, các đối tượng cảnh vệ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng; các vị nguyên là tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng; ủy viên Bộ Chính trị; bí thư Trung ương Đảng; chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, phó chủ tịch nước, phó chủ tịch QH, phó thủ tướng…

Đề nghị thêm chánh án Tối cao

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay có một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao; cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị.

Đại biểu (ĐB) Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cho biết tại kỳ họp trước có nhiều ĐB kiến nghị đưa chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ, nhiều cử tri cũng đồng tình với kiến nghị này. Nhìn chung quy định đối tượng cảnh vệ như dự luật là khá đầy đủ; tuy nhiên trong xu hướng cải cách tư pháp với hội nhập quốc tế thì quy định chánh án TAND Tối cao là đối tượng cảnh vệ hoàn toàn hợp lý.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc đưa chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ là phù hợp. Ảnh: TP

Theo ĐB Thúy, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp 2013 đã xác định rõ TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân... Các quy định hiện hành cho thấy đã nâng vị thế của chánh án TAND Tối cao. Theo đó, chánh án TAND Tối cao là bí thư Trung ương Đảng và là một trong những lãnh đạo tuyên thệ trước QH, trước Hiến pháp.

“Việc đưa chánh án TAND Tối cao là đối tượng cảnh vệ cũng ghi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vị thế của ngành tòa án. Chánh án TAND Tối cao cũng là bí thư Trung ương Đảng nên việc đưa chức danh này vào đối tượng cảnh vệ theo Luật Cảnh vệ không làm tăng biên chế cảnh vệ” - ĐB này nói.

Cán bộ tòa cảm thấy “lép vế”

Đồng quan điểm với ĐB Thúy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc đưa chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ là phù hợp. “Qua nghiên cứu các quy định về tòa án, tôi đề nghị QH đồng ý đưa chức danh chánh án TAND Tối cao là chức danh được cảnh vệ. Điều này đảm bảo được vị trí, yêu cầu của ngành tòa án. Chúng ta quy định rất rõ tam quyền trong Hiến pháp: lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng có một số cán bộ ngành tòa án có gọi điện thoại cho tôi chia sẻ tâm tư, băn khoăn rằng dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đến ngành tòa án nhưng họ có cảm giác bị lép vế” - ĐB đến từ Bến Tre chia sẻ.

Theo ĐB này, chánh án TAND Tối cao là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan tư pháp nhưng giả sử chánh án TAND Tối cao mà không phải bí thư Trung ương Đảng thì lại không được cảnh vệ, không tương xứng với các chức danh khác. “Một người đứng đầu cơ quan tư pháp của nhà nước pháp quyền mà không bằng cấp phó (phó thủ tướng) của cơ quan hành pháp. Điều đó không tương xứng với vị trí của ngành tòa án” - ĐB Nhưỡng nói.

Đề nghị giữ nguyên như dự thảo

Đề xuất đưa chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ đã được đưa ra ở nhiều hội thảo góp ý nhưng đa số ý kiến đều đồng tình giữ nguyên đối tượng như dự thảo.

Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc kỹ vấn đề đó bởi còn có nhiều chức danh khác muốn được cảnh vệ như viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng Ngoại giao, tổng Kiểm toán Nhà nước. Những chức danh này đều phải giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm, đụng chạm. Đặc biệt sau sự vụ ở một tỉnh, nhiều ý kiến còn đề nghị đưa chủ tịch, bí thư tỉnh ủy là đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ như dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh VÕ TRỌNG VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm