Lùm xùm quanh gói thầu nước thải Bình Hưng

Lần đầu tiên TP.HCM cho tổ chức đấu thầu dịch vụ công ích đối với lĩnh vực xử lý nước thải (Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng) nhưng việc tổ chức mời thầu đang gặp vướng. Theo đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị (đơn vị đang vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng) vừa có công văn kiến nghị UBND TP cho tạm hoãn công tác đấu thầu vận hành nhà máy này để thẩm định lại tính pháp lý của hồ sơ mời.

Kiến nghị tạm hoãn đấu thầu

Theo Công ty Thoát nước Đô thị, hồ sơ mời thầu (HSMT) do trung tâm chống ngập TP thực hiện có nhiều điểm chưa minh bạch, không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng.

Trước đó, trong một công văn trình lãnh đạo UBND TP, Công ty Thoát nước Đô thị phản ánh: “Ngày 26-12-2016, trung tâm chống ngập phát hành hồ sơ mời thầu. Sau khi tiếp cận, công ty nhận thấy HSMT có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo ra lợi thế cho một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Cụ thể, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính của HSMT thông qua các hợp đồng đầu tư là không phù hợp với lĩnh vực dịch vụ của gói thầu (quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng nhà máy thực hiện theo đơn đặt hàng, không thông qua hợp đồng đầu tư). Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm chỉ tập trung vào giá trị hợp đồng mà không đề cập đến tính chất tương tự của hợp đồng như công suất lưu lượng (lượng nước thải xử lý - NV) là không đúng quy định, gây bất lợi cho công ty.

Một lãnh đạo Công ty Thoát nước Đô thị cho biết: Sau khi công ty phản ứng, trung tâm chống ngập đã điều chỉnh HSMT, bỏ đi tiêu chí “hợp đồng đầu tư” nhưng giữ nguyên các tiêu chí còn lại, dễ xảy ra tình trạng “ưu ái” cho đơn vị “sân sau” trúng thầu. “HSMT lấy tiêu chí kinh nghiệm vận hành nhà máy với công suất 20.000 m3/ngày là chưa phù hợp vì Nhà máy Bình Hưng có công suất lên đến 141.000 m3/ngày. Ngoài ra, việc tổ chức mời thầu cũng không có đội ngũ chuyên môn thẩm định, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu”.

Gói thầu vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đang bị khiếu nại. Trong ảnh: Các kỹ sư đang vận hành nhà máy. Ảnh: TN

Chưa giám sát đấu thầu

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết việc tổ chức thẩm định, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đã được Sở kiến nghị UBND TP giao cho Sở GTVT TP thực hiện từ tháng 12-2016. Sau đó, UBND TP chuyển công văn cho Sở GTVT để xem xét, tham mưu, đề xuất cho TP cách thực hiện. Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT TP vẫn chưa đề xuất UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Theo Sở KH&ĐT, nếu Công ty Thoát nước Đô thị nhận thấy HSMT không công bằng thì đề nghị trung tâm chống ngập làm rõ.

Trong công văn trả lời, trung tâm chống ngập cho rằng đơn vị tổ chức đấu thầu thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Về việc không tổ chức “giám sát hoạt động đấu thầu” là do UBND TP chưa có chỉ đạo nên các đơn vị liên quan không có cơ sở thực hiện.

Không đồng tình với giải thích trên, Công ty Thoát nước Đô thị cho rằng những bất hợp lý trong HSMT chưa được trung tâm chống ngập trả lời thỏa đáng. Mặt khác, hiện TP vẫn còn cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng theo sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực thoát nước do đó việc tổ chức đấu thầu vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là chưa có cơ sở để thực hiện.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng do có nhiều vướng mắc về công tác đấu thầu Nhà máy Bình Hưng, tốt nhất nên tạm hoãn, chờ chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Giá rẻ chưa chắc trúng thầu

Công ty Thoát nước Đô thị cho biết theo HSMT, phần điểm kỹ thuật chiếm 30% và phần về đơn giá vận hành chiếm 70%. Tuy nhiên, các tiêu chí về kỹ thuật lại không hợp lý nên công ty dù có kinh nghiệm bảy năm vận hành nhà máy nhưng công ty lại chịu thiệt thòi, nguy cơ rớt thầu rất cao. “Chuyện tiết kiệm cho ngân sách hơn 210 tỉ đồng mỗi năm được công ty phân tích, dẫn chứng đầy đủ cho UBND TP. Song với các tiêu chí theo HSMT hiện nay thì điểm mạnh này lại không phải là lợi thế. Do đó, nếu công tác mời thầu không được giám sát, thực hiện minh bạch, công bằng thì chuyện tăng giá thành vận hành nhà máy rất dễ xảy ra…” - lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm