Mang bánh chưng Tết đến với người Bahnar nghèo

Toàn bộ số bánh chưng làm ra hôm nay để dành tặng cho tất cả học sinh của trường và nhiều hộ nghèo trong xã.

Sau gần 1 tuần tận dụng khoảng thời gian trống ít ỏi, liên tục chuẩn bị nguyên liệu, gói gém và đun nấu, mới đây, tập thể giáo viên nhà trường đã mang 1.500 chiếc bánh chưng thành phẩm tặng tận tay từng học sinh và 100 hộ nghèo trên toàn xã.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 391 học sinh, mỗi học sinh được phát 3 chiếc bánh chưng. Ngoài ra, trường còn tặng 100 hộ nghèo nhất xã mỗi gia đình 1 cặp bánh.

 Cũng theo thầy Tuấn, Trường Tiểu học bán trú Đak Rong là một trong những trường vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn của tỉnh Gia Lai. Hầu hết học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên phụ huynh vẫn chưa nhận biết rõ ý nghĩa của việc học đối với con em mình. Do đó, thay vì đưa con đến trường, nhiều phụ huynh lại đưa con lên rẫy, khiến việc vận động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn.

Nhiều năm nay, để vận động các em đi học, tập thể giáo viên nhà trường đã nghĩ ra rất nhiều biện pháp tranh thủ qua trưởng thôn, già làng, dùng xe đưa đón, cõng học sinh qua suối, đưa học sinh đi bệnh viện mỗi lúc đau ốm… Các giải pháp trên đã phát huy tác dụng tích cực khi học sinh lớp 2 trở lên đều đã chăm chỉ đến trường, không bỏ lớp.

“Mục tiêu của Trường đặt ra là bất kỳ trẻ em nào khi đến tuổi đều được cha mẹ cho đến trường. Đây sự nghiệp lâu dài, công tác dân vận là rất quan trọng nên Trường phải luôn có những biện pháp mới mẻ”, thầy Tuấn nói.

Dù cuộc sống nhiều giáo viên còn khó khăn song khi Nhà trường đưa ra ý tưởng gói bánh tặng học trò thì tất cả mọi người đều đồng lòng. Thấy thầy cô nhiệt tâm, nhiều phụ huynh đã tình nguyện góp lá dong, lá chuối và lạt gói bánh. Tổng chi phí cho 1500 chiếc bánh là 35 triệu đồng.

Không chỉ giúp đem đến niềm vui tết, củng cố tình cảm với bà con, những chiếc bánh chưng này còn giúp bà con hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền của đồng bào người kinh tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường, phụ huynh và địa phương. “Đích đến cuối cùng là công cuộc đưa cái chữ đến với toàn bộ trẻ em ở vùng khó khăn này”, thầy Tuấn thổ lộ.

Đánh giá về việc làm ý nghĩa trên, ông Đinh Nao, Chủ tịch UBND xã Đak Rong, bày tỏ: “Tết của người Bahnar là lễ ăn mừng lúa mới, họ chưa hề biết đến bánh chưng là gì. Việc làm của các thầy cô không chỉ giúp lũ làng biết thêm về một món ăn ngon, mà còn giúp họ hiểu về đời sống văn hóa của các dân tộc anh em”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm