Mấu chốt là vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Chiều 3-11, giải trình ý kiến của các đại biểu về chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới tư duy là lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương”.

Theo Bộ trưởng Dũng, nếu vượt qua được những vấn đề nói trên thì kinh tế sẽ tránh được tình trạng cát cứ, chia cắt trong kinh tế, tái cơ cấu mới thành công, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mới được nâng cao.

Bộ trưởng Dũng cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phức tạp, khó khăn và thách thức. Những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

“Nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung” - Bộ trưởng Dũng lo ngại.

Giải trình với Quốc hội về nguồn lực hơn 10 triệu tỉ để tái cơ cấu trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Dũng nói: “Mức dự kiến 10,5 triệu tỉ là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 6,5%-7%. Trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính năm năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỉ đồng”.

Giải thích rõ hơn, ông cho biết để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm năm đạt 6,5%-7% với hệ số ICOR dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32%-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỉ đồng.

Trong đó, năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỉ đồng và kế hoạch 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỉ đồng. “Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỉ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỉ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỉ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.

Ngoài những biện pháp cải cách thể chế, thoái vốn nhà nước… Bộ trưởng Dũng cho rằng việc giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức liên quan khác có vai trò đặc biệt quan trọng để tái cơ cấu thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm