Mậu Thân 1968 - Bản hùng ca chân trần, chí thép

Tối 21-1, cầu truyền hình kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968, với chủ đề: “Bản hùng ca mùa xuân – Chân trần Chí thép” đã diễn ra tại TP.HCM. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, UBND huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh, Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp thực hiện.

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968. Ảnh khai thác/VTV.VN

Cầu truyền hình trực tiếp được kết nối giữa 3 địa danh gắn liền với sự kiện Mậu Thân 1968: Di tích Dinh Độc Lập - nay là Hội trường Thống Nhất, Khu Truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Khu vực tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại xã Bình Mỹ - huyện Củ Chi.

Tham dự chương trình rất nhiều lãnh đạo và người dân TP.HCM không kềm được sự xúc động trước sự quả cảm và sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968.  Ảnh: KIM PHỤNG 

Những hầm vũ khí bí mật

Trong cuộc Tổng tiến công này, các chiến sĩ đã nhận được bao tấm lòng và sự chở che cuả người dân. Mỗi căn nhà, xóm ấp trở thành nơi đứng chân và nơi chiến đấu của các lực lượng. Các "lõm chính trị" hay "căn cứ lõm" là minh chứng cho tấm lòng của người dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đây chính là những "căn cứ lòng dân", nơi ẩn chứa "sức mạnh Việt Nam".
Điển hình như ông Đỗ Văn Căn (tức Ba Mủ) - người kiến tạo kho vũ khí ở số nhà 183/4 đường Trần Quốc Toản quận 3 (nay là đường 3 tháng 2 quận 10). Hay ông Trần Văn Lai - người xây dựng cơ sở chứa vũ khí tại nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - đánh Dinh Độc Lập 50 năm trước.
Đêm mùng 1, rạng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, các chiến sĩ Biệt động Đội 5 đã tập trung về đây nhận vũ khí, thiết kế bộc phá và toàn bộ lực lượng xuất phát trên 3 xe ô tô vận tải áp sát mục tiêu.

Lãnh đạo TP xúc động khi xem chương trình. Ảnh: TÁ LÂM

Có mặt trong chương trình hôm nay, anh Trần Kiến Xương con trai ông Trần Văn Lai cho biết, gia đình anh có 3 căn nhà liền nhau và 50 năm trước anh còn quá nhỏ nên không hề biết gì về công việc của ba mình. Và người lớn trong gia đình lúc bấy giờ cũng không hề biết cụ thể công việc của ông Lai đang làm.

“Rất bí mật. Sau này ba tôi kể căn hầm bí mật được ông Trần Hải Phụng - Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định và ông Ngô Thanh Vân (tự Ba Đen)- Thủ trưởng đơn vị Biệt Động 159 giao nhiệm vụ xây dựng hầm vũ khí từ năm 1962. Căn hầm xây mất 2 năm, ba tôi đã bán căn nhà lớn của mình, nộp tiền vào ngân hàng làm quỹ chiến đấu và mua một căn nhà nhỏ để làm hầm. Để bảo đảm bí mật, việc chọn mua nhà và tiến hành thiết kế, xây dựng, đào hầm đều được ba tôi thực hiện một cách kín đáo. Thợ đào đại khái cho xong, sau đó ba tôi phải tự tay đào tiếp và xử lý đất. Mẹ tôi cũng phụ một tay. Nhà có xe ô-tô, đất vô bao, cho vào giỏ chất lên xe, chờ đêm tối lén đổ ở các bãi rác. Đêm nào về tới nhà là ba tôi lại đào hầm. Phải mất một năm ròng mới làm xong căn hầm này”- anh Xương kể lại.
Anh Xương cho biết thêm, tính ra đến trước chiến dịch Mậu Thân, ông Trần Văn Lai đưa về hầm bí mật của mình khoảng 2,5 tấn vũ khí các loại. Đó là căn hầm mà sau này Đội 5 Biệt động Sài Gòn dùng để tấn công vào dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân năm 1968. “Ba tôi đã quyết định làm một hầm chứa vũ khí ở căn nhà này vì đây là khu dân cư lao động đông đúc và khi làm hầm thì hàng xóm cứ nghĩ là gia đình đang đào hầm chứa nước”- anh Xương kết lại.

Mua gà liên hoan thề quyết tử

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 được xem là cuộc nghi binh đánh lạc hướng chiến lược, công phu và vĩ đại, vì nó được thực hiện tỉ mỉ, hợp lý trên tất cả các phương diện và điều quan trọng nhất là được giữ bí mật, bất ngờ ở mọi cấp thực hiện, trong suốt một thời gian dài cho đến trước giờ nổ súng.
Khi giờ G đã điểm, cùng với các đô thị Miền Nam, các trận đánh vào những mục tiêu trọng yếu của địch tại hang ổ, trung tâm đầu não: Tòa Đại sứ Mỹ, Biệt Khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh Sát, Bộ Tổng Tham Mưu, Đài Phát Thanh, sân bay Tân Sơn Nhất... Trận đánh vào Dinh Độc Lập- cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn đã gây một chấn động lớn.

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) - nguyên chiến sĩ Đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: TÁ LÂM

Có mặt giao lưu hôm nay, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) - nguyên chiến sĩ Đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết trước giờ nổ súng cả đội không hề biết mục tiêu sẽ đánh là ở đâu. “Khi cả đội đến nhà chú Năm Lai khoảng 4 giờ chiều thì anh Tư Tăng đến lần 1 cho anh em chuẩn bị lau chùi vũ khí. Đến 9 giờ tối, anh Tư Tăng đến lần 2 kiểm tra, anh em báo cáo mọi thứ xong hết rồi, thì lúc bấy giờ anh ấy mới lật cái sa bàn ra cho biết: “ Nhiệm vụ của đội 5 hết sức nặng nề và cũng hết sức vẻ vang, đó là đánh vào Dinh Độc Lập”. Anh em nghe vậy thấy phấn khởi”- ông Hôn kể lại.

“Trước đó trên cứ anh em đã mua con gà 3,8 kg liên hoan thề sẽ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, không ai bỏ ai, sẵn sàng chiến đấu.  Vì anh Tư Tăng đã nói “Đảng ta nuôi quân ngàn thuở mà sử dụng có 1 giờ”. Giờ phút này là giờ phút lịch sử, thiêng liêng của Tổ quốc, nên Đảng cần các đồng chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đồng chí nào dám nghĩ dám làm tiến về phía trước....Tất cả đều bước lên hết, vì không ai sợ hy sinh cả”- ông Hôn kể tiếp.
Ông Hôn cho biết, ngày hôm đó lực lượng biệt động Đội 5 đã đánh vào cửa hông Dinh Độc Lập, góc đường Nguyễn Du - Huyền Trân công chúa. Vì tấn công bất ngờ nên địch trở tay không kịp, mình chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa. Sau 15-20 phút địch mới hoàn hồn và tổ chức phản công trở lại. Đội có 15 người thì 7 hy sinh, còn 8 chiến đấu tiếp. Sáng ngày mới rút vào buiding đang xây dựng bên kia đường, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng sau đó bị bắt.

32 nam nữ dân công hỏa tuyến hy sinh

Một câu chuyện khác cũng được kể tại chương trình, 50 năm trước, để phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân, chi bộ xã Vĩnh Lộc - huyện Bình Chánh huy động ngay được 400 nam, nữ thanh niên, trong đó số thiếu nữ mười bảy, đôi mươi chiếm phần lớn, hình thành 3 đoàn dân công hỏa tuyến. Trong một chuyến tải thương lên Đức Hòa, tải đạn về Sài Gòn, máy bay địch phát hiện, oanh kích đội hình ác liệt, 32 nam nữ thanh niên dân công hỏa tuyến của xã Vĩnh Lộc - Bình Chánh đã anh dũng hy sinh.

Bà Phạm Thị Tám, nữ dân công hỏa tuyến 50 năm trước may mắn sống sót trong trận tập kích kể lại. Ảnh: TÁ LÂM

Đã 50 năm trôi qua, các nữ dân công hỏa tuyến ngày ấy nay đã trở thành những người bà, người cô, người dì và hôm nay đã đến tham dự chương trình. Bà Phạm Thị Tám cho biết những năm 1967-1968, trai tráng đều tham gia cách mạng, tham gia vào lực lượng quân giải phóng. Trong làng chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em.

“Lúc đó, tôi đã có gia đình, khoảng 23 tuổi, còn lại là các cô khác khoảng 17, 18 tuổi. Được sự chỉ dẫn của các chú trong Chi bộ , các dân công hỏa tuyến đi khiêng vác pháo, đạn dược và thương binh phụ giúp cho bộ đội. Lúc ấy, tinh thần các cô rất hăng hái, mặc dù rất cực, bắt đầu đi từ 7 giờ tối đi đến 3 giờ sáng mới về đến nhà. Chưa kể những lúc vượt bưng rạch nước lên đến cổ nhưng vẫn cố gắng bằng mọi cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt cáng thương lúc nào cũng hạn chế tối đa không để nước vào vết thương của các anh, sẽ bị nhiễm trùng. Vai sưng phồng, chân đau nhưng không hiểu sao, lúc đó các cô không cảm thấy đó là những khó khăn, chỉ trong đầu nghĩ rằng làm sao cho hoàn thành tốt để bộ đội mau đánh thắng, mong đến ngày đất nước hòa bình”- bà Tám kể.
Còn bà Nguyễn Thị Khởi cho biết, sau trận tập kích đó, các nữ thanh niên phần thì bị thương, phải dưỡng bệnh, phần thì chuyển sang công việc khác. Nhưng vẫn là phục vụ chiến đấu, như cô chuyển sang làm giao liên, đào công sự cho bộ đội... có lệnh trong Chi Bộ xã Vĩnh Lộc là các cô lên đường làm nhiệm vụ. “Vì thực ra lúc đó, ai ai cũng mong làm sao làm việc gì đó để mau kết thúc chiến tranh, nên người dân họ góp công rất nhiều, các bà má nói hoài "mấy đứa ráng đi con, giúp mấy anh cho tốt công việc" Vì lòng căm thù giặc của người dân rất cao. Nhà nào cũng có con em đi bộ đội, là quân giải phóng, nhà nào cũng muốn mau giải phóng đất nước”- bà Khởi nói.
Có mặt tại chương trình, Trung tướng Phạm Văn Dỹ – Chính ủy Quân khu 7 cho biết ông rất xúc động khi xem chương trình này và chắc chắn không chỉ có chúng tôi mà các thế hệ tiếp nối, các bạn trẻ đoàn viên, thành niên dù là thế hệ không qua chiến tranh nhưng cũng sẽ rất tự hào về những thế hệ đi trước…
Ông mong muốn được truyền lửa để các bạn trẻ tiếp nối truyền thống cha anh với hoài bão, khát vọng, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm