Miền Trung: Đưa hàng ngàn hành khách ra khỏi vùng lũ

“Tính đến 17 giờ ngày 15-10, ở tỉnh đã có chín người chết do mưa lũ, 13 người bị thương. Trong đó có trường hợp thương tâm là anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, ở xã Hóa Hợp, tạm trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa) lúc bơi qua ngầm tràn để đưa một phụ nữ chuẩn bị sinh qua thì bị nước cuốn trôi” - báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Bình cho biết.

Đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói

Phía tỉnh Quảng Bình cũng cho hay do lượng mưa lớn, tập trung trong khoảng thời gian ngắn, ngập lụt sâu trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề đối với đời sống, sản xuất của tỉnh. Toàn tỉnh có 71.192 căn nhà bị ngập, 59 hộ bị tốc mái, thiệt hại lớn về hoa màu, gia súc, các công trình dân sinh… Trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại 5.000 tấn gạo (trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn gạo) và hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ đồng để sớm khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tại Hà Tĩnh, đến tối cùng ngày đã có hai người chết. Trong đêm 14 và sáng 15-10, nước cũng ngập sâu khu vực tầng một trụ sở UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khiến cán bộ phải hối hả di chuyển tài liệu lên cao. Thuyền cứu hộ, cứu nạn được đưa đến huyện Hương Khê và các xã bị ngập sâu để sẵn sàng cứu nạn và phát mì tôm, lương thực cho người dân. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu thủy điện Hố Hô ngừng xả nước. Chiều 15-10, sau khi thủy điện Hố Hô ngừng xả nước, lũ ở huyện Hương Khê rút nhanh.

Còn trong ngày 15-10, Nghệ An có mưa rất to. Dòng nước lũ đã cuốn trôi em Phạm Ngọc Hoàng (học sinh lớp 8B, Trường THCS Nam Kim, trú xóm Tam Giáp, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn). Dù một người đi đường phát hiện em Hoàng bị lũ cuốn đã lao theo cứu nhưng không kịp.

Hiện nay ở Nghệ An đã có 2.835 căn nhà bị ngập lụt.

Ngập lụt ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nhiều tuyến đường ngập sâu, có nơi lên đến hơn 1 m. Ảnh: N.DO

Xóm 6, xã Phương Điền, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chìm trong nước. Ảnh: Đ.LAM

Giải cứu hàng ngàn khách “kẹt” tàu

Chiều 15-10, đại diện Chi nhánh Vận tải đường sắt Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết đến 18 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành di chuyển 132 hành khách đi trên tàu SE19 (Hà Nội - Đà Nẵng) ra khỏi vùng bị ngập lụt. Trong số này có 96 hành khách là người nước ngoài.

Ông Trần Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình, cho biết mưa lũ gây sạt lở mái taluy, xói nền tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt qua tỉnh Quảng Bình. Với những thiệt hại như hiện nay thì chưa thể tính được điểm thông tuyến vì còn hàng chục vị trí bị nước cuốn trôi, nước chảy xiết...

Cùng ngày, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngành đã tổ chức chuyển hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt, đảm bảo an toàn. Các đoàn tàu hàng sẽ tiếp tục hành trình khi thông đường qua khu đoạn. Hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn tiếp tục tổ chức bán vé phục vụ hành khách theo kế hoạch.

Không để lợi dụng mưa lũ tăng giá hàng hóa

Ngày 15-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công điện gửi các bộ, ngành có liên quan về việc tập trung ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết sơ tán hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Ngoài ra, các lực lượng khẩn trương tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ nhằm tăng giá. Các cơ quan ban ngành hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.

• Cùng ngày, Bộ TT&TT có công điện gửi các tỉnh/thành từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel và VNPost. Công điện yêu cầu các bộ phận chức năng tăng cường phát sóng, đưa tin kịp thời về mưa bão, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt… Cục Bưu điện Trung ương sẵn sàng đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác.

Miền Trung có thể tiếp tục mưa lớn, bão Sarika sát biển Đông

Bão Sarika rất mạnh (cường độ hiện cấp 12-13, giật cấp 15-16-17) đang vào biển Đông. Dự báo bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, đến 13 giờ ngày 16-10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông.

Nhiều khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta vào giữa tuần tới, có thể lặp lại đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung, thậm chí còn gây mưa trái mùa ở đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay lũ thượng lưu trên một số sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đạt đỉnh (xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2010 ở Hà Tĩnh và năm 2007 tại Quảng Bình), lũ hạ nguồn tiếp tục lên, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Ông LÊ THANH HẢI, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương

• Mưa lớn chưa từng có. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết trong 24 giờ qua tại Quảng Bình mưa lên tới 747 mm. Đây là đợt mưa lớn chưa từng có trong vòng 20 năm qua tại tỉnh này.

• Ngành giao thông ứng cứu lũ. Hai Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Nguyễn Ngọc Đông đã vào miền Trung nhằm phối hợp với lãnh đạo các địa phương thị sát các điểm bị ngập lụt, đình trệ giao thông. Phía Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp tham gia cứu hộ, cứu nạn; tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả.

• Đường về nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngập sâu. Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là một trong hai điểm lũ ngập nặng nhất của tỉnh Quảng Bình. Theo ghi nhận của PV, hiện lũ bủa vây, chia cắt nhiều vùng của huyện, người dân phải di chuyển bằng thuyền, bobo.Tại thị xã Ba Đồn, nhiều tuyến đường bị ngập sâu, có nơi lên đến hơn 1 m. Dọc QL1, cơ quan chức năng phải dời dải phân cách để thoát lũ.

• QL1 ách tắc, xe ùn ứ. Từ rạng sáng 13-10 đến nay, các tuyến đường tránh QL1A có hàng trăm chiếc xe xếp hàng dài nằm chờ. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Bình ngập sâu trên 5 m, dự kiến trong vòng bảy ngày mới có thể thông xe.

• Gia súc chết do ngập nhanh. Do không kịp trở tay với lũ, nhiều người dân ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đành phải cột, kéo đầu gia súc lên khỏi mặt nước để khỏi ngạt. Ở Nghệ An, nhiều gia súc bị chết do nước ngập nhanh, không kịp di tản. Trong khi đó, từng đàn cá theo dòng nước ngập bơi vào nhà dân.

• Gần 40 tàu cá đứt neo. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, tại cửa Ròn (Quảng Trạch) có gần 40 tàu cá bị đứt neo, trôi ra mắc kẹt tại cửa biển, một số tàu bị chìm. Người dân đang phải chờ lực lượng cứu tàu vào.

• Chủ quan nên kẹt lũ. Do chủ quan, một số hộ dân ở chòi cá của thôn Thuận Hòa (xã Quảng Trường) và một số hộ ở xã Quảng Thanh (Quảng Trạch, Quảng Bình) ở lại các chòi canh cá bị mắc kẹt và kêu cứu. Ngày 15-10, lực lượng chức năng đã đến ứng cứu kịp thời, đưa họ về nơi an toàn.

• Bị chia cắt hoàn toàn. Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) có 2.667 căn nhà bị ngập, trong đó có hơn 600 căn nhà dân bị ngập hoàn toàn, nơi thấp nhất là 0,5 m, nơi cao nhất là 4 m. Hiện nay xã vẫn đang bị chia cắt hoàn toàn.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm