Miền Trung sơ tán gần 11.000 người ra khỏi vùng ngập lụt

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong hai ngày qua, khu vực Trung bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 400-600 mm. Đặc biệt, tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có tổng lượng mưa 700-900 mm, một số trạm có lượng mưa lớn như Lâm Thủy (Quảng Bình) 634 mm; Đại Sơn (Quảng Nam) 560 mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 980 mm; Linh Thượng (Quảng Trị) 754 mm; A Lưới (Thừa Thiên-Huế) 818 mm; Hồ A Lá (Thừa Thiên-Huế) 753 mm.

37 xã ngập sâu trong nước lũ

Dự báo từ nay đến ngày 10-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm, có nơi trên 400 mm; ở nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm. Từ ngày 11-10, các tỉnh Trung bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đến 13 giờ ngày 8-10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh; lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đang lên chậm; các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đang xuống.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, 37 xã của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng bị ngập, nhiều nơi ngập sâu 0,5-1 m, chia cắt cục bộ. Trước tình hình trên, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/10.994 người (Quảng Trị 2.796 hộ/10.141 người, Thừa Thiên-Huế 271 hộ/780 người, Đà Nẵng 23 hộ/73 người, Quảng Nam 59 hộ) tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tại Quảng Trị, sáng sớm 8-10, tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực Cửa Việt, Quảng Trị, trên tàu có năm người, hiện nay ba người đã được tàu Vietship 01 cứu vớt an toàn, còn hai người đang trôi dạt trên biển. Trước đó, vào chiều 7-10, tàu Công Thành 27 bị chìm do sóng lớn, 11/11 thành viên đã được cứu vớt an toàn.

Chiều 8-10, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cho hay toàn địa bàn huyện đang có 1.700 căn nhà bị ngập do mưa lũ. Mực nước ngập từ 0,5 m trở lên.

Đỉnh lũ ghi nhận lúc 5 giờ sáng cùng ngày trên sông Vu Gia (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) là 9,1 m, trên báo động 3. Hiện mực nước đang xuống dần.

Đến chiều 8-10, mưa lũ đã khiến một số tuyến đường tại tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ngập, hàng chục hecta hoa màu của người dân bị ảnh hưởng.

Tại Đà Nẵng, ông Võ Văn Ngà (Văn phòng UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết một số khu vực thấp, trũng trên địa bàn xã như thôn Túy Loan Tây, thôn Bồ Bản... vẫn đang bị ngập do mưa lớn nhiều giờ qua. “Một số gia đình ở thôn Bồ Bản trũng hơn nên nước ngập mấp mé sân, chưa vào sâu trong nhà. Chúng tôi đã thông báo để các trường cho học sinh nghỉ học sáng nay. Hiện thiệt hại chủ yếu là rau củ của bà con, khoảng 5-6 ha ở hợp tác xã rau sạch gần như bị ngập hoàn toàn” - ông Ngà nói. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, UBND huyện này đã chỉ đạo UBND các xã rà soát tình hình di dời dân ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con.

Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo thu hoạch các loại rau, gia cố diện tích nuôi trồng thủy sản, thoát nước ở các vùng chuyên canh hoa tết. 

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong 24 giờ qua tại Đà Nẵng có mưa to, rất to, lượng mưa tới 300 mm.

Hiện hai đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi.

Người dân sống hai bên sông Ô Lâu (đoạn qua Quảng Trị) thu dọn đồ đạc, sợ lũ tiếp tục lên cao. Ảnh: N.DO

Tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), nước lũ đang lên nhanh. Ảnh: T.NHẬT

Thủ tướng chỉ đạo hỏa tốc

Trưa 8-10, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc yêu cầu các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan khẩn trương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại miền Trung.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm bốn tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại.

11 người chết và mất tích, trong đó có bốn người chết (Đắk Lắk một người, Gia Lai một người, Quảng Trị một người, Quảng Ngãi một người) và bảy người mất tích (Quảng Trị năm người, Thừa Thiên-Huế một người, Gia Lai một người). 

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Việc tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời dân để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

UBND các tỉnh khuyến cáo, hướng dẫn người dân việc đi lại trong khi có mưa lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở khu vực bị ngập sâu, chảy xiết. Các tỉnh căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh triển khai các biện pháp gia cố đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập.

Đối với các cơ quan, bộ, ngành trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ thủy điện, thủy lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Công an, Bộ GTVT đảm bảo trật tự trên địa bàn, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ.

Các bộ GD&ĐT, Y tế, TN&MT, TT&TT, cơ quan báo chí... tùy vào chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn.

Chưa bao giờ thấy lũ lên nhanh như vậy

Đó là những lời trao đổi của bà con vùng rốn lũ thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình với PV Pháp Luật TP.HCM chiều 8-10.

Không chỉ riêng thôn Trần Xá bị cô lập mà nhiều thôn khác của xã Hàm Ninh cũng bị ngập sâu trong lũ. Dự kiến đêm 8-10, bà con vùng rốn lũ sẽ chật vật chạy lũ trong đêm.

Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân sống tại địa phương nói qua điện thoại: “Những người thân của gia đình tôi sinh sống ngay ngã ba sông Nhật Lệ, Kiến Giang và Long Đại, bao đời nay tôi chứng kiến không biết bao cơn lũ nhưng chưa bao giờ chứng kiến lũ kinh hoàng và nước lên nhanh như cơn lũ này”. Chị Loan nói thêm, lũ lên quá nhanh nên chị không kịp thu dọn đồ đạc. Nói rồi chị chuyển cho chúng tôi xem một đoạn clip nước bao quanh nhà chị chảy như dòng thác.

“Với dòng nước chảy xiết và không ngừng dâng cao, tôi không biết nhà mình sẽ trụ được bao lâu” - chị Loan lo lắng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy