Mỗi tấm lòng như một que diêm

Một đêm, tôi trực xuất bản, báo đem đi in rồi nhưng về không tài nào ngủ được vì nhân vật trong số báo ngày mai trong bài viết của PV Trần Vũ. Cùng quẫn và trầm cảm bởi cái nghèo, người mẹ bệnh tật đã tự vẫn với lá thư để lại cho chồng là tiền phúng điếu để trả nợ và lo cho con và mong được địa phương cấp cho cái sổ hộ nghèo để con chị được hưởng chính sách. Tôi kể lại câu chuyện trên Facebook như một cách giải tỏa cho mình, sẻ chia với bạn bè và hoàn toàn không có ý định vận động từ thiện. Thế nhưng sáng mai có cả trăm comments ngỏ ý giúp gia đình chị.

Lần khác, tôi viết về lớp học tình thương của ông bà Năm Tốt ở Dốc Dù (Vĩnh Hảo, Bình Thuận). Mấy chục năm nay ông bà dồn hết công sức tiền của để dẫn nước ngọt về cho dân và mở lớp tình thương cho trẻ nghèo, mồ côi. Bài vừa đăng, nhiều bạn đọc ngỏ ý mỗi năm, vào đầu năm học và ngày tết sẽ tổ chức đi thăm tụi nhỏ, lo quần áo sách vở và trợ cấp, như chia sẻ với chú Năm Tốt (vì cô Năm đã mất), nối một tấm lòng với những tấm lòng.

Những đứa con của “người rừng” Gịp A Dưỡng tại khu vực rừng giáp ranh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng tháng 6-2014. Nay các em đã về làng sống trong ngôi nhà khang trang tại xã Hải Ninh, Bắc Bình, Bình Thuận, xây từ tiền ủng hộ của bạn đọc. Ảnh: HOÀNG ANH

Dần dần những status sẻ chia ấy được báo nhà hoặc các báo đăng lại, được bạn bè chia sẻ cho nhau, Facebook và tài khoản của tôi trở thành một địa chỉ để mọi người gửi gắm. Khi là một thi sĩ nghèo chăn bò mướn bị ung thư không có tiền chữ trị, khi là một vùng quê nắng hạn, là ông lão nghèo khổ đi chăn dê nuôi bầy con với vợ mù bị chết khi đang cứu người. Có những chuyến đi tôi và đồng nghiệp phải lội rừng cả ngày để tìm và thuyết phục một gia đình mấy chục năm sống giữa rừng sâu về lại cộng đồng và vận động bạn bè, địa phương xây nhà cho họ. Cho dù ở đâu, với ai thì tôi cũng giữ nguyên tắc: Minh bạch số tiền được đóng góp, tự bỏ chi phí cho các chuyến đi để số tiền ấy nguyên vẹn đến người cần giúp và sau đó phản hồi cho mọi người biết rằng đời sống của người được giúp đã khá hơn từ tấm lòng sẻ chia của họ. Mỗi năm, hàng chục trường hợp được giúp đỡ với số tiền vài tỉ đồng từ hàng ngàn người mà đa số tôi chưa hề quen biết…

Thú thực tôi không có ý định chủ động làm từ thiện. Những gì tôi viết chỉ là sự giải tỏa, sẻ chia về những số phận không may mà tình cờ tôi biết được hoặc chứng kiến. Dù vậy, đôi khi điều kỳ diệu vẫn xảy ra, có khi tôi nghĩ mình bất lực không thể giúp gì thì bao nhiêu tấm lòng đã tìm đến san sẻ mà tôi chỉ là cầu nối. Gần đây là với Hữu Bằng, một đồng nghiệp ở báo Long An, nghèo và bị suy thận không có tiền chạy chữa. Tôi cũng chỉ có thể giúp em bằng thù lao giảng dạy của mình nhưng sau đó hàng trăm người đã giúp em qua tài khoản của tôi, của đồng nghiệp Hữu Danh (báo Dân Việt), Quỳnh Hương (báo Dân Việt), Vĩnh Quyên (Truyền hình Quốc hội) với số tiền hơn 1 tỉ đồng, đảm bảo tài chính cho ca thay thận. Trong đó, một quỹ từ thiện đã chuyển tặng 500 triệu đồng.

Đã có nhiều những tranh luận về chuyện cần câu hay con cá và những điều khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước sự tuyệt vọng vì nghèo đói và bệnh tật của ai đó, mỗi sự giúp đỡ đều rất quý. Mỗi tấm lòng như một que diêm giúp cuộc đời những người bất hạnh sáng hơn lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm