Mong có nghị quyết tước bằng lái vĩnh viễn

Các đại biểu, nhiều người đồng tình với việc tăng chế tài như dự thảo của bộ gtvt, đồng thời bổ sung nhiều hình thức mà các nước đã và đang áp dụng.

Bổ sung hình thức phạt lao động công ích

 NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng ban dân nguyện Quốc hội

Vừa qua, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý báo cáo, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri để trình ra Quốc hội có rất nhiều ý kiến về tình trạng say rượu bia lái xe. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết xử lý mạnh tay với lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Tôi đồng tình tăng chế tài xử phạt với hành vi sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, như tăng mức phạt tiền, thời hạn giữ bằng lái và phương tiện. Đồng thời nghiên cứu, xem xét bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích để thay đổi hành vi.

Về đề xuất xử hình sự đối với người uống rượu bia lái xe, muốn xử lý phải chứng minh các yếu tố hỗn hợp có thể gây ra hậu quả trong thực tế. Còn đề xuất sửa Bộ luật Hình sự theo hướng người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy không cần xác định hậu quả thì bị xử hình sự, cần nghiên cứu kỹ, thận trọng. Nhưng về lâu dài cá nhân tôi rất ủng hộ quy định này.

Chúng ta phải thừa nhận một điều là lực lượng thực thi công vụ trên đường có khả năng sinh ra nhũng nhiễu, tham nhũng vặt nên có tình trạng người uống rượu bia khi bị phát hiện đã “cưa đôi” mức phạt. Lo lắng là có nhưng chúng ta phải tin tưởng cơ chế giám sát, quản lý của Nhà nước, như việc thanh tra, kiểm tra đột xuất trong ngành, camera giám sát trên các phương tiện…

Quy định lao động công ích, tước bằng lái xe vĩnh viễn chưa có nên tôi cũng mong tới đây Quốc hội bàn và ra được nghị quyết riêng hoặc chung, trong đó bổ sung hình thức phạt lao động công ích, tước bằng lái xe vĩnh viễn…

NGUYỄN THANH HẢI, Trưởng ban dân nguyện Quốc hội

Nên xử lý hình sự khi uống rượu bia mà lái xe

ĐB SÙNG A HỒNG (Điện Biên)

Tôi ủng hộ Quốc hội có nghị quyết về hình thức xử lý, hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia. Hiện chế tài về xử lý hành vi lái xe uống rượu bia chưa đủ sức răn đe.

Do đó, tôi cho rằng nên quy định sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự.

Tôi đã nghiên cứu pháp luật ở một số nước và họ quy định nếu sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm hình sự. Cho nên đến một lúc nào đó, xã hội phát triển văn minh thì nên quy định sử rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là bị xử lý hình sự.

ĐB SÙNG A HỒNG (Điện Biên)

Tăng các mức phạt là hợp lý

Ông BÙI VĂN QUẢNChủ tịch  Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Các hành vi lùi xe trên cao tốc, lái xe vi phạm nồng độ cồn… ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản người tham gia giao thông nên cần tăng mức phạt để đảm bảo răn đe.

Cạnh đó cũng nên xem lại đối tượng xử phạt theo hướng liên đới trách nhiệm của tất cả những người liên quan, chẳng hạn như người uống rượu bia và cả người bán rượu bia.

Hiệp hội vận tải hàng hóa tp.hcm cũng đã kiến nghị nhiều năm về việc xử phạt các đối tượng chở quá tải: Hiện chỉ phạt chủ xe, lái xe nhưng chủ hàng thì không bị phạt, trong khi họ lại là người hưởng lợi nhiều nhất.

Chúng ta không nên lo ngại mức xử phạt tăng cao thì xảy ra chuyện tiêu cực “cưa đôi” vì chúng ta phải tin vào lực lượng thực thi công vụ và khi tăng mức phạt, có cưa đôi thì số tiền dấm giúi cũng sẽ tăng theo, tài xế sẽ phải thận trọng hơn...

Điều quan trọng là tuyên truyền để mọi người hiểu và chấp hành các quy định về giao thông.

Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch  Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Các nước: Uống rượu lái xe, đưa hối lộ có thể đi tù

Nhật Bản: Một ly bia = Ba năm tù

Nhật Bản là một trong những nước có hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất thế giới đối với người đã uống rượu bia mà còn lái xe. Cụ thể, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với một ly bia), người điều khiển xe đã phạm lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo” và có thể đối mặt với mức án gần ba năm tù giam, đồng thời nộp phạt số tiền khoảng 500.000 yen (hơn 104 triệu vnd). Những tài xế có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt tương đương mức trên.

Đối với hành vi chạy vượt quá tốc độ, tài xế có thể bị phạt 15.000-25.000 yen (3-5 triệu vnd) tùy theo loại xe và sẽ bị treo bằng nếu tái phạm nhiều lần.

Luật pháp Nhật Bản quy định, hành vi hối lộ người thi hành công vụ sẽ nhận mức án ba năm tù giam cùng với khoảng 2,5 triệu yen (gần 533 triệu vnd) tiền phạt.

Singapore: Hối lộ cảnh sát = Năm năm tù

Singapore là một quốc gia nổi tiếng về mức độ nghiêm khắc với người vi phạm giao thông. Đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu bia, tài xế sẽ bị phạt tiền 50-130 triệu usd , tùy theo nồng độ cồn đo được. Các lần tái phạm tiếp theo, tài xế có thể bị phạt tù đến ba năm và bị tước bằng lái vĩnh viễn.

Ở Singapore, tốc độ tối đa được cho phép trên toàn quốc là 50 km/giờ và 90 km/giờ cho đường cao tốc. tài xế khi bị phát hiện vượt quá giới hạn trên sẽ bị phạt 2-3 vnd.

Các hành vi hối lộ người thi hành công vụ ở Singapore có thể bị phạt tù lên đến năm năm, đồng thời phải đóng phạt khoảng 1 tỉ vnd.

Đức: Quá tốc độ = Treo bằng lái ba tháng

Mức phạt đối với tài xế say rượu hoặc có tác động của chất kích thích ở Đức là rất nặng. Người vi phạm bị phạt tiền 585-1.750  (13-40 triệu vnd) và bị treo bằng nhiều tháng. Giới hạn lượng cồn trong máu là 0,5 mg/ml. Tài xế có lượng cồn trong máu là 1,1 mg/ml có thể bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, đối với các trường hợp chạy vượt tốc độ quy định, tài xế sẽ bị phạt đến  795 USD (18 triệu VND), đồng thời có thể bị phạt bổ sung bằng cách trừ điểm bằng lái và treo bằng 1-3 tháng.

Võ Cường tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm