Một DN kiện đòi bộ trưởng Bộ Công thương hủy thông tư

Sau khi nghiên cứu, tòa án đã trả lại đơn kiện vì cho rằng không thuộc thẩm quyền thụ lý của tòa. DN cũng vừa mới khiếu nại việc trả đơn kiện này.

Năm 2009, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện một lô hàng của DN không có giấy tờ nguồn gốc. Sau đó, UBND quận 6 đã ra quyết định xử phạt DN gần 70 triệu đồng. Ủy ban cho rằng theo Thông tư 12, trong vòng 24 giờ sau khi kiểm tra hàng hóa, DN không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa nên số hàng trên là hàng lậu... DN đã khiếu nại quyết định trên vì cho rằng không thể có quy định sau 24 tiếng không cung cấp hồ sơ chứng từ hàng hóa hợp pháp thì kết luận là hàng lậu để tịch thu nhưng bị bác đơn. Sau đó, DN đã khiếu nại và yêu cầu giải thích thông tư ba lần nhưng không được bộ trưởng trả lời.

DN này cho rằng Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 đã hai lần được sửa đổi thay thế. Đồng thời đã có nghị định mới và hủy bỏ toàn bộ các nghị định cũ nhưng bộ trưởng vẫn không ban hành thông tư mới để hướng dẫn mà vẫn dùng Thông tư 12 là thông tư hướng dẫn cũ. Mặt khác, trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính không đưa ra quy định về hành vi hành chính trước và sau 24 giờ. Bộ trưởng tự đưa ra quy định trước và sau 24 giờ là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng còn tiếp tục chỉ đạo thực hiện Thông tư 12 dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng khi xử phạt…

DN khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM buộc bộ trưởng phải hủy bỏ ngay Thông tư 12. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả do các cơ quan, ban, ngành đã ra các quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật liên quan đến thông tư trên... Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho DN 2,5 tỉ đồng - là số tiền thiệt hại thực tế mà DN đã bị xử phạt liên quan đến Thông tư 12.

Sau khi tòa trả lại đơn kiện vì cho rằng không thuộc thẩm quyền của tòa, DN đã khiếu nại cho rằng theo khoản 7 Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến thương mại hàng hóa quốc tế hoặc trong nước thì tòa phải thụ lý giải quyết. Vụ kiện của DN đáp ứng được quy định trên nên tòa phải thụ lý...

MINH VY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm