Ngày 11-3 sẽ chuyển hướng và mở rộng phạm vi tìm kiếm

(Bấm F5 để cập nhật liên tục)

20 giờ 00

Thứ trưởng Bộ GTVT  Phạm Quý Tiêu đã chủ trì buổi họp báo với sự tham dự của khoảng 100 phóng viên trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết đến thời điểm hiện tại, lực lượng tìm kiếm các nước đã huy động tất cả 34 máy bay, 40 tàu các loại tham gia tìm kiếm. 

 Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu 

“Rất buồn là đến bây giờ không có tín hiệu gì liên quan đến máy bay Malaysia gặp nạn. Riêng vật thể lạ mà máy bay Singgapore phát hiện, chúng tôi cho vớt lên nhưng vật này không liên quan đến máy bay Malaysia” - Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho hay.

19 giờ 45

Kết quả xét nghiệm cho thấy dầu loang trên biển ở khu vực nghi ngờ có máy bay rơi là các loại dầu của các thùng dầu của các tàu biển bị rơi vãi, không phải dầu máy bay.

 Vệt dầu loang được xác định không phài dầu của máy bay

Trong ngày 11-3, hãng Hàng không Quốc gia Malaysia sẽ đưa các máy bay lớn đến Bắc Kinh để chở  người thân của 153 hành khách Trung Quốc có mặt trong chuyến nay mất tích sang Kuala Lumpur, nhằm giúp họ tiếp cận gần hơn với thông tin về chuyến bay và người thân của họ.

Cơ quan cảnh sát Quốc tế (Interpol) đang hướng nghi vấn vào những hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp trong chuyến nay này.

19 giờ 30

Tối và đêm nay máy bay và tàu của VN sẽ chuyển hướng, tìm kiếm ở hướng phía Đông (hiện lực lượng tìm kiếm của VN đang tìm kiếm hướng phía Tây). Cụ thể, tập trung vào khu vực từ phía tây của đảo Côn Sơn cho đến phía đông khu vực ta đang tìm kiếm hiện nay.

19 giờ 20 tối

Thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT 777 sau hành trình làm nhiệm vụ tìm kiếm máy bay hành khách của Malaysia đã trở về sân bay Phú Quốc. 

19   giờ

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh VP UBQG TKCN cho biết, đề xuất trên cơ sở các thông tin hiện có, điều chỉnh lại khu vực cần tập trung lực lượng, mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và phía Nam Côn Đảo. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn cho phương án tìm kiếm dài ngày

Về trường hợp hai tàu của Trung Quốc là 999 và 528 được Việt Nam cấp phép cho vào tìm kiếm, Thượng tướng Đỗ Bá Ty kết luận, hai tàu này sẽ hoạt động cùng với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của VN. Trong trường hợp 2 tàu này vào vùng lãnh hải của VN sẽ hoạt động theo sự hướng dẫn của phía Việt Nam.

18 giờ 15

Về thông tin nhiều mảnh vụn ngoài biển cách Vũng Tàu 60 km về phía Đông Nam do máy bay dân dụng Hồng Kông thông báo đang được lực lượng tìm kiếm cứu nạn thông báo xác minh, chưa rõ kết quả.

 Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ của Việt Nam quan sát mặt biển từ chuyên cơ

UBQG TKCN cho biết,  trong ngày 10-3, VN sử dụng 06 máy bay và 07 tàu các loại tiếp tục rà soát xung quanh hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm qua; tập trung xác minh các vật thể do máy bay phát hiện. Lực lượng tìm kiếm của nước ngoài có 4 máy bay, 11 tàu gồm: Malaysia 02 máy máy bay, 07 tàu; Singapore: 02 máy bay, 02 tàu; Trung Quốc: 02 tàu cùng tham gia tìm kiếm.

 Ngoài ra, phía tàu hải quân của Hoa Kỳ cũng đã điều chỉnh không hoạt động tại vùng lãnh hải của VN mà hợp đồng tác chiến với phía Malaysia.

17 giờ 30

Cơ quan không lưu Hồng Kông thông báo chính thức một máy bay dân dụng của Hồng Kông phát hiện nhiều mảnh vỡ trên biển khi máy bay này bay ngang vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 60km về phía Đông Nam. Vị trí này cách điểm IGARY (điểm chuyển giao máy bay Boeing 777 của Maylaysia Airlines giữa ACC Kuala Lumpur và ACC Hồ chí Minh) khoảng 500km. UBQG TKCN đã yêu cầu Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam thông báo các tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực trên tìm kiếm, xác minh.

Trước đó, lúc 15g20, tàu HQ 637 vớt được vật thể lạ màu vàng ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam, được xác định là mảnh nắp thùng dây cáp điện, trên bề mặt đã bám nhiều rong rêu.

17 giờ 8 phút

Theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông, một tàu bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồng Kông nhìn thấy một số mảnh kim loại lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09043’N-107025’E.

Hiện tại, Việt Nam đã điều phương tiện ở gần khu vực nêu trên tiếp cận để xác minh thông tin.

16 giờ 30

2 tàu cứu hộ mang số hiệu HQ627 của hải quân vùng 5 ở Phú Quốc đã rời cảng chở nhiều nhiên liệu cho tàu SAR 413, các nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường khu vực tìm kiếm có vật thể chưa xác định. Phóng viên Xuân Huy có mặt tại hiện trường vừa gởi chùm ảnh mới nhất về tàu cứu nạn  HQ627 Việt Nam , trên đường đi tiếp tế và cứu hộ máy bay Malaysia rơi.

Chung quanh thông tin chiều 10-3 tàu HQ 637 thuộc lữ 127 Vùng 5 Hải quân được cho cho là đã vớt được một nắp cuộn cáp đã đóng rêu, PV Pháp luật TP.HCM đã trao đổi với Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở - Tư lệnh vùng 5 Hải quân để xác tín thông tin. Tuy nhiên Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở cho biết hiện nay chưa thể cung cấp thông tin nào cả và hẹn lại.

15g20 tàu HQ 637 vớt được vật thể lạ màu vàng ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam (Do máy bay C130 của Singapore phát hiện) được xác định là mảnh nắp thùng dây cáp điện, trên bề mặt đã bám nhiều rong rêu.

Theo www.giaothongvantai.vn, 15 giờ 55 phút, PV trên trực thăng nhận được thông tin tàu Hải quân 637 đã vớt được xuồng cứu sinh. Thiếu tướng Lê Minh Thành - Tư lệnh Phó quân chủng hải quân đang liên lạc xem có người trên xuồng không và cố gắng xác định tọa độ chính xác nhất.

16h30, theo VnE, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam xác nhận, tàu HQ 637 tiếp cận khu vực do nước bạn Singapore thông báo có vật thể màu vàng trôi dạt nghi là phao cứu sinh, trục vớt được vật thể và xác định đó chỉ là nắp một cuộn cáp đã mọc rêu.

Điều thêm 2 phi cơ CASA tham gia cứu nạn

Khoảng 16 giờ chiều 10-3, 2 chiếc phi cơ CASA 8981 và 8982 từ Gia Lâm (Hà Nội) đã được đưa vào khu quân sự sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn máy bay Malaysia bị mất tích.

Hình ảnh 2 chiếc máy bay CASA 8981 và 8982. Ảnh : XUÂN NGỌC

Trao đổi với Pháp luật TP. HCM, Đại tá Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng 918, người dẫn đầu đoàn cho biết “Sau khi nhận lệnh, lữu đoàn 918 đã huy động 2 chiếc CASA hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mất tích. Đây là 2 chiếc phi cơ hiện đại nhất Việt Nam và lần đầu được đưa vào phía nam để thực thi nhiệm vụ.”

“Tùy tình hình thực tế, trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, 2 chiếc phi cơ CASA 8981 và 8982 có thể đi Cà Mau hoặc Phú Quốc để thực hiện nhiệm vụ.”, đại tá Toàn cho biết thêm.

Cảnh sát biển vùng 4 cử thêm tàu CSB 2002 tham gia tìm kiếm cứu nạn

15 giờ 28 phút, chiều 10-3, trao đổi qua điện thoại với PV Pháp luật TP.HCM, Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển vùng 4, cho biết hiện cảnh sát biển vùng 4 nhận được chỉ đạo và đã điều thêm tàu CSB 2002 tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, đây là tàu thứ ba sau chiếc CSB 2001 và CSB 2003 tham gia cứu hộ.

Tàu CSB 2002 đã xuất phát từ cảng An Thới để tham gia tím kiếm cứu nạn

 

“Tàu CSB 2002 sẽ theo điều phối phân công từ tàu SAR 413”, đại tá Quyết nói.

Cả 3 tàu của cảnh sát biển vùng 4 đều được trang bị hiện đại, đầy đủ thiết bị, thuốc men và có lực lượng y tế… để đảm bảo hoạt động bám biển liên tục. 

Trước đó, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể nghi là xuồng cứu sinh tại vị trí cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam, yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh. Đại tá Quyết cho biết hiện chưa biết đích xác thông tin này và tàu của cảnh sát biển vùng 4 vẫn đang thực thi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo.

Một người Malaysia có thể nhìn thấy máy bay bị mất tích

Một người buôn bán nhỏ ở Ketereh, thuộc bang Kelantan, Malaysia cho biết anh ta nhìn thấy vệt sáng nghi là của chiếc máy bay B777-200ER mang số hiệu chuyến bay MH370 rạng sáng 8-3.

Người đàn ông này 29 tuổi có tên Alif Fathi nói với báo New Straits Times. Khoảng 1 giờ 45 rạng sáng ngày 8-3, anh Alif Fathi nhìn thất vệt tia sáng rất rõ mà anh tin rằng đó là một máy bay đang bay với tốc độ rất cao. Đáng chú ý, đây cũng trùng thời điểm mà chuyến bay MH370 hành trình qua khu vực địa lý này.

Sáng ngày hôm sau đang làm việc và nghe radio thì anh nghe vụ máy bay mất tích. Chính vì lẽ đó trong đầu anh bắt đầu hình dung lại các sự kiện mà hồi rạng sáng anh nhìn thấy trên bầu trời.

Alif kể: “Khi tôi đang ở trong trang trại của gia đình, tôi đã thấy một vệt sáng trắng rất rõ. Dù nó có nhiều bất thường song vì khu vực này vẫn thường thấy các máy bay bay ngang qua nên nó thực sự không làm tôi suy nghĩ nhiều. Thế nhưng ở thời điểm đó cái vệt sáng trắng rất rõ ấy cũng khiến tôi bước ra cánh cửa sau để tiếp tục quan sát. Rồi tôi nghĩ bụng đó là vệt sáng bình thường của máy bay. Vệt sáng to, trắng ấy tiến nhanh xuống mặt biển, dường như là vùng biển Bachok thì phải, tôi không rõ lắm. Dù có nhiều điều bất thường song Alif vẫn cho rằng, khu vực này là tuyến đường bay quốc tế qua lại thường xuyên nên tôi không để tâm.

Alif cũng cho biết anh quan sát cái vệt sáng di chuyển với thời lượng năm phút trước khi nó kết thúc. Trả lời một số báo chí, Alif vẫn không quả quyết rằng, đó là chiếc máy bay cháy đang lao xuống biển mà chỉ là vệt sáng trắng rất to. Alif nhấn mạnh, đó là tia sáng trắng chứ không phải tia sáng màu đỏ hay hồng của lửa…Thế rồi anh đi ngủ.

Sáng dậy nghe radio phát đi bản tin chiếc máy bay mất tích thì Alif liên tưởng lại sự kiện mà anh nhìn thấy hồi rạng sáng. Anh kể cho người chú của mình là ông RosmancIskak, 55 tuổi nghe. Người chú bảo Alif nên đến cơ quan chức năng kể lại sự kiện này nhằm giúp tí nào đó cho cơ quan chức năng.

Máy bay AN 286 vừa cất cánh. ẢNH: XUÂN NGỌC

3 giờ,  phi cơ AN 286 đã cất cánh, tiếp tục quá trình tìm kiếm tại những khu vực nghi máy bay Malaysia bị mất tích.

Cục Hàng không Việt Nam, cho biết lúc 13h26 phút, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể nghi là xuồng cứu sinh tại tọa độ 08016’05’ N – 1020 51’ 11’’ S (vị trí này cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.

Hiện tại, Việt Nam đang điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải ở khu vực gần nhất tiếp cận khu vực trên theo yêu cầu của Malaysia./.

Tính đến 13 h 30 phút ngày hôm nay 9/3, Việt Nam đã tiến hành 4 chuyến bay tìm kiếm, gồm 3 AN26 và 1 DHC 6.

Trong chiều nay, Việt Nam tiếp tục duy trì 2 trực thăng MI171, Singapore 1 C130 và Malaysia 2 K35 để tìm kiếm.

Tin từ UBQG TKCN, vào lúc 10 giờ 20 ngày 10-3, máy bay DHC6 phát hiện tại tọa độ 07 độ 47'30N - 102 độ 57'12E (cách phía Tây Tây Nam đảo Thổ Chu/Kiên Giang 96 hải lý) một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang điều phương tiện tiến hành trục vớt để giám định.

Vật thể hình vuông, màu cam, nghi là phao được phát hiện lúc 10 giờ 20 ngày 10-3 - Ảnh do lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 chụp / NLĐO

Hiện tại lực lượng tìm kiếm của VN gồm 8 máy bay (AN 26: 03; Mi 171: 03, CASA: 02; DHC6: 01); và 8 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước. Mục tiêu tìm kiếm tập trung vào các thông tin, vật thể chưa xác định do máy bay trinh sát, phát hiện.

Sáng cùng ngày Bộ Quốc phòng đã có công điện số 04/TK, 05/TK chỉ đạo: Bộ Tư lệnh Hải quân bảo đảm nhiên liệu, lương thực thực phẩm cho tàu SAR 413 trong suốt quá trình chỉ huy tìm kiếm cứu nạn để tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ chỉ huy hiện trường; và triển khai tổ bảo đảm thông tin không lưu của Không quân để thành lập Sở chỉ huy hỗn hợp trên tàu SAR 413; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho 02 Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau (sân bay Cà Mau) để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong, ngoài nước và nắm tình hình sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm máy bay bị mất tích

Đến 12 giờ 30, sau bốn giờ bay trên không tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích, ba chuyến bay Antonov 26 thuộc lữ đoàn không quân 918 đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Ghi nhận phóng viên Pháp luật TP.HCM Online, tại sở chỉ huy lữ đoàn 918 có khoảng 30 phóng viên quốc tế (các hãng thông tấn như: AFP, AP, BBC, NHC, reutes …  vào buổi trưa, phóng viên của Singapore và Malaysia cũng có mặt đưa thông tin về sự cố máy bay mất tích) và trong nước đều được Quân chủng phòng không không quân và các đơn vị khác tạo điều kiện tác nghiệp. Đặc biệt, được bố trí đi cùng máy bay trinh sát để tác nghiệp.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, Đại tá Đỗ Đức Minh - Tham mưu phó quân chủng phòng không quân cho biết, "chưa có kết luận nào về các dấu hiệu về dầu loang hay mảnh vỡ trôi trên biển là từ máy bay Malaysia. Đại tá Minh nhấn mạnh,  mọi thông tin, kết luận đưa ra phải được nghiên cứu, kiểm tra một cách kỹ lưỡng, không được thiếu căn cứ nếu không ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm cũng như tâm lý của người thân có nạn nhân trong chiếc máy bay Maylasia gặp nạn". Theo Đại tá Đỗ Đức Minh, chiều cùng ngày sẽ có ba máy bay Antonov 26 được cất cánh tại khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục hành trình tìm kiếm.

Ghi nhận PV, trên phi cơ AN 286 trang bị nhiều áo phao, túi cứu sinh chứa vật dụng cứu hộ.  Từ độ cao gần 2000 mét, ở trên phi cơ 286, PV đã ghi nhận được những vệt nước màu vàng được nghi vết dầu loang đã tan dần và còn rất mỏng. Dưới mặt biển, tàu cứu nạn các nước chia ra nhiều nhóm nhỏ, tạo hành độI hình nhằm tìm kiếm. Cạnh đó, thủy phi cơ của cảnh sát biển vùng 3 Việt Nam cũng có mặt để tìm kiếm. 

Số phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn tính từ ngày 8/3 đến đêm 9/3. Nguồn: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. 

13 giờ 10, tại Phú Quốc (Kiên Giang) Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia xác định sẽ lập Sở chỉ huy tiền phương nhằm phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay hành khách của Malaysia nghi vấn mất tích nên khá đông PV các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế đổ dồn về. Trong đó, điểm đến để các PV tác nghiệp là Bộ tư lệnh vùng 5 Hải quân.

12 giờ 45 phút, phi cơ 286 về đến sân bay Tân Sơn Nhất mà vẫn chưa tìm thấy được dấu vết máy bay bị mất tích.

 12 giờ 39 phút trưa 10-3, trao đổi qua điện thoại với PV Pháp luật TP.HCM, Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở - Tư lệnh vùng 5 Hải quân cho biết: Hiện tàu HQ 627 thuộc Lữ 127 vùng 5 Hải Quân đang chuẩn bị và ở tư thế sẵn sàng để chở nhiên liệu cho tàu SAR 413, đồng thời chở theo đội liên lạc máy bay để đội này tham gia chỉ đạo điều phối các máy bay đang thực hiện công tác rà soát, tìm kiếm trên vùng biển nghi vấn máy bay hành khách của Malaysia nghi bị mất tích.

Cũng trong sáng nay (10-3), Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã tới Văn phòng UBQG Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo công tác tìm kiếm máy bay mất tích. Theo đó, Thượng tướng Tỵ đồng ý cho thành lập sở chỉ huy không quân tiền phương tại sân bay Cà Mau làm cầu nối phối hợp với đầu Phú Quốc và tàu chỉ huy SAR 413 tại hiện trường hiệp đồng tác chiến trong việc tìm kiếm, cứu nạn. Thượng tướng Tỵ cũng yêu cầu các đơn vị của VN cùng phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng tìm kiếm của nước bạn theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tuy nhiên phải đảm bảo an ninh chủ quyền của VN.

Tin mới nhất từ UBQG Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), đến 09h45 sáng nay, 2 máy bay KASA số hiệu 212 và số hiệu 9891 đã cất cánh từ Gia Lâm đi Đà Nẵng và tiếp tục từ Đà Nẵng đi Tân Sơn Nhất sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Hiện nay tàu HQ 627 ở Phú Quốc đang sẵn sàng chở nhiên liệu cho tàu SAR 413 và các nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường khu vực tìm kiếm có vật thể chưa xác định. Ngoài ra, lực lượng đang tìm kiếm trên biển của VN gồm có: 3 máy bay AN26, 1 máy bay trực thăng MI 171, 1 thủy phi cơ DHC6 và 7 tàu.

Lúc 10 giờ 30 phút, nguồn tin của Pháp luật TP.HCM cho biết lúc 10 giờ, tại sân bay Cần Thơ, một chiếc Mi -8 của Trung đoàn 917 – Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã cất cánh chở lực lượng tham gia chỉ huy, tìm kiếm cứu nạn ra Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Từ Phú Quốc, lực lượng này sẽ chuyển tiếp để di chuyển xuống tàu của hải quân để tham gia công  tác tìm kiếm.

Còn tại sân bay Cà Mau, ngoài trực thăng Mi 171 02 đã bay đi Phú Quốc, đến 10 giờ 30 phút ngày 10-3,  trực thăng Mi 171 04 vẫn đang ở tư thế sẵn sàng bay để thực hiện công tác tìm kiếm khi có lệnh và thông báo về vị trí, tọa độ có nghi vấn liên quan đến vụ máy bay hành khách của Malaysia nghi vấn mất tích.

9 giờ 50 phút, máy bay giảm độ cao xuống còn 200 mét, cách quần đảo Thổ Chu gần 70 km.

9 giờ 40 phút, phi cơ 286 đang ở ở độ cao 4.200 mét so với mặt nước biển đang tiến hành công tác tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.

9 giờ 15 phút, PV Pháp luật TP. HCM điện về cho biết, 9h sáng ngày 10-03, Đoàn công tác của Bộ Giao thông – vận tải do ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu cũng đã có mặt tại Phú Quốc trên chiếc trực thăng bay từ Cà Mau cũng đáp xuống sân bay Phú Quốc.

Được biết, ông Phạm Quý Tiêu sẽ đi khảo sát khu vực máy bay bị mất tích để nghiên cứu thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại đây và chuẩn bị các phương án phục vụ điều tra. Ngay sau khi đến Phú Quốc, đoàn công tác sẽ đến khảo sát tại khu vực biển tìm kiếm máy bay bị mất tích.

Trước đó, chiếc thủy phi cơ DH-C6 cũng đã  phát hịên có một mảnh vỡ nghi vấn là từ máy bay.  Tàu CSB 2003 của Vùng cảnh sát biển 4 đã tiến hành quần thảo cả đêm  ở khu vực này. Tuy nhiên, đến hơn 23h đêm qua, vẫn chưa có phát hịên gì mới.

Thông tin từ Vùng cảnh sát biển 4 và Vùng 5 Hải quân cho biết, đến thời điểm này, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển vẫn chưa phát hiện gì mới.  Sau khi chiếc thủy phi cơ DH-C6 phát hiện có một mảnh vỡ nghi từ máy bay, Tàu CSB 2003 đã tiếp cận được vị trí xác định có vật thể lạ và tích cực tìm kiếm suốt đêm nhưng đến 9h sáng nay vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ đó. 

Lúc 9 giờ sáng 10-3, trao đổi qua điện thoại với PV Pháp luật TP.HCM, Đại tá Lê Văn Minh – Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 4 cho biết đến nay các tàu của CSB qua tìm kiếm các khu vực nghi vấn nhưng vẫn chưa có phát hiện gì mới. Tàu CSB 2003 và CSB 2001 đã tìm kiếm khu vực nghi có vật thể lạ nhưng cũng không tìm thấy gì.

“Các tàu của Cảnh sát biển vùng 4 vẫn đang nỗ lực trong công tác rà soát đồng thời chờ chỉ đạo về những vị trí có nghi vấn để phối hợp tìm kiếm. Lực lượng cảnh sát biển phát hiện có thông tin gì mới sẽ  thông báo ngay cho lực lượng chức năng” – Đại tá Minh nói.

 8h40 phút: Chuyên cơ AH 286 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến sau 4 giờ bay sẽ tiếp cận được vị trí dự đoán máy bay MH 370 rơi.

8h sáng 10-3, ba chiếc chuyên cơ số hiệu AH 261, AH 286 và AH 287 thuộc lữ đoàn  918, sư đoàn 307 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất với nhiệm vụ tiếp cận khu vực có tọa độ được nghi ngờ là điểm rơi của máy bay MH 370. 

Tổ bay đang kiểm tra lại lần cuối trước khi xuất phát 

Chuyên cơ AH 261 xuất phát trước, chiếc AH 286 sẽ cất cánh trong vòng 30 phút nữa. Đại tá Đỗ Đức Minh, phó tham mưu trưởng quân chủng phòng không không quân có mặt trên chuyên cơ AH 261 để trực tiếp chỉ đạo.

 Chuyên cơ 261 , lữ đoàn 918 thuộc sư đoàn  307  chuẩn bị cất cánh

Phóng viên Xuân Ngọc của Pháp luật TP.HCM đang có mặt trên chuyên cơ AH 286, chuẩn bị xuất phát và sẽ cập nhật tin tức trực tiếp đến bạn đọc.

Cơ trưởng - Tượng tá Đinh Văn Quả điều khiển phi cơ AH 286. Ảnh: XN

(Bấm F5 để cập nhật liên tục)

XUÂN NGỌC - GIA TUỆ - XUÂN HUY - TRỌNG PHÚ - MAI PHƯƠNG - TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm