Một viện kiểm sát né bồi thường

Theo hồ sơ, bà Hồ Thị Hạc, ngụ phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) cho bà H. nợ tiền chơi huê và tiền vay khoảng 19 triệu đồng. Không có tiền trả nợ nên ngày 23-9-2003, bà H. vào nhà người quen ở TP.HCM hỏi mượn tiền và gọi điện thoại về cho bà Hạc xin khất nợ nhưng bà Hạc không đồng ý.

Vụ “giữ người” kỳ lạ

Sau đó, bà Hạc vào tận TP.HCM tìm bà H., bảo về Cam Ranh để cùng chồng viết giấy nợ hoặc viết giấy bán nhà trừ nợ. Chiều ngày 8-10-2003, bà H. đã tự nguyện cùng bà Hạc về thị xã Cam Ranh. Về đến nơi, bà H. cũng tự nguyện theo bà Hạc về nhà bà Hạc để tính chuyện giải quyết nợ nần.

Sáng hôm sau, người quen của bà H. đã đến nhà bà Hạc gặp bà H. nói chuyện. Bà H. xin phép bà Hạc cho người quen về chở hai con nhỏ đến thăm và mang quần áo cho mình. Chiều cùng ngày, người quen bà H. chở hai đứa trẻ đến, được bà Hạc cho vào nói chuyện với mẹ. Khi người quen của bà H. đưa hai đứa trẻ về, bà Hạc nhờ nhắn chồng bà H. đến nhà mình viết giấy nợ nhưng chồng bà H. không đi. Biết bà H. đang ở nhà chủ nợ, gia đình bà H. trình báo công an. Công an phường Ba Ngòi đến kiểm tra, lập biên bản bắt giữ bà Hạc, chuyển lên Công an thị xã xử lý về hành vi giữ người trái pháp luật.

Đây là một vụ “giữ người” rất khác thường. Bởi lẽ ngoài việc tự nguyện theo chân chủ nợ, trong hai ngày ở nhà bà Hạc, bà H. cũng hoàn toàn được tự do về thân thể như tự do gọi điện thoại mà không hề bị giám sát (bà đã gọi 12 cuộc điện thoại), tự do đi lại, ăn uống và có thể ra khỏi nhà bà Hạc bất kỳ lúc nào, tự do nói chuyện với con cái, bạn bè. Thời gian ở nhà bà Hạc, bà H. không hề có ý định bỏ trốn hoặc thoát khỏi sự kiểm soát của bà Hạc dù bà hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để thực hiện như nhờ sự cứu giúp của người khác hoặc gọi điện thoại báo cho người thân, công an.

Cố truy tố cho bằng được

Dù vậy, sau đó bà Hạc vẫn bị khởi tố, truy tố (sau khi bị tạm giam tám ngày, bà được cho tại ngoại). Tháng 4-2004, tại phiên xử sơ thẩm của TAND thị xã Cam Ranh, đại diện VKS đã đề nghị tòa cho rút hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, VKS thị xã đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can.

Bà Hạc khiếu nại Công an thị xã yêu cầu được khôi phục danh dự theo Nghị quyết 388 nhưng nơi đây cho rằng trách nhiệm thuộc về VKS thị xã. Bà Hạc đến VKS khiếu nại. Trong khi chưa được giải quyết thì tháng 12-2004, viện trưởng VKS tỉnh Khánh Hòa thời đó đã ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can của VKS thị xã và yêu cầu phục hồi tố tụng.

Chấp hành chỉ đạo của cấp trên, VKS thị xã đã phục hồi điều tra đối với bà Hạc. Hai lần VKS ra cáo trạng, chuyển hồ sơ qua tòa là hai lần TAND thị xã trả hồ sơ vì không có căn cứ kết tội bà Hạc. Sau đó, dù không thu thập được gì khác để buộc tội bà Hạc nhưng VKS thị xã vẫn tiếp tục ra cáo trạng truy tố bà.

Tháng 4-2005, TAND thị xã Cam Ranh mở lại phiên xử sơ thẩm. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và kết quả thẩm tra tại phiên xử, tòa nhận định hành vi của bà Hạc không đủ yếu tố cấu thành tội giữ người trái pháp luật vì nạn nhân tự nguyện đến ở nhà bị cáo và không bị mất tự do về thân thể. Từ đó tòa tuyên bố bà Hạc vô tội.

Sau đó, do có kháng cáo của bà H. và kháng nghị của VKS nên tháng 3-2006, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm, hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Bốn tháng sau, Công an thị xã Cam Ranh đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Hạc. Cơ quan điều tra khẳng định việc bà H. cùng đi với bà Hạc từ TP.HCM về Cam Ranh và ở lại nhà bà Hạc từ 1 giờ ngày 9-10 đến 10 giờ ngày 10-10-2003 là tự nguyện, không có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật.

Cố né bồi thường!

Một lần nữa, bà Hạc lại làm đơn gửi đến các cơ quan tố tụng đòi xin lỗi, bồi thường oan.

Theo Nghị quyết 388, nếu VKS đã ra quyết định truy tố mà tòa sơ thẩm tuyên bố bị cáo không có tội thì VKS phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặt khác, Thông tư liên tịch 04 năm 2006 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp... cũng hướng dẫn rõ: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan làm oan sau cùng, không phụ thuộc có cơ quan tiến hành tố tụng trước đó có xử lý oan một phần hay không.

Ở đây, cơ quan làm oan sau cùng chính là VKS thị xã Cam Ranh. Dù vậy, tháng 1-2008, đơn vị này vẫn ra thông báo, chỉ dẫn bà Hạc gửi đơn đến Công an thị xã vì cho rằng yêu cầu đòi bồi thường oan của bà... thuộc thẩm quyền giải quyết của công an. Ngay sau đó, Công an thị xã cũng có thông báo khẳng định việc bồi thường oan trong trường hợp của bà Hạc thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS thị xã.

Mọi chuyện sau đó rơi vào im lặng một cách đáng sợ dù bà Hạc liên tục gửi đơn khiếu nại. Thậm chí cả khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc (tháng 4-2008), gửi công văn đề nghị viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết khiếu nại của bà Hạc, đồng thời thông báo kết quả đến Ủy ban Tư pháp cũng không ăn thua!

Dù pháp luật đã quy định rất rõ nhưng khi chúng tôi đến VKS thị xã Cam Ranh, một kiểm sát viên của cơ quan này vẫn khăng khăng rằng “vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an thị xã Cam Ranh” và yêu cầu chúng tôi đến công an tìm hiểu?! Cũng vì cách hành xử thiếu sòng phẳng, trái pháp luật với người bị oan đó mà cho đến tận hôm nay, hơn ba năm đã trôi qua nhưng bà Hạc vẫn chưa được cơ quan làm oan thẳng thắn đứng ra xin lỗi, bồi thường!

HOÀNG VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm