Một xã hội nghèo thông tin dẫn đến nghèo nhiều thứ khác

Theo ông Nghiêm, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin của Nhà nước cho báo chí là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua thông tin cung cấp cho xã hội còn thiếu rất nhiều. Nhiều trường hợp do thiếu thông tin cung cấp cho xã hội dẫn đến nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Cục trưởng Nghiêm đúc kết một xã hội mà nghèo thông tin sẽ dẫn đến tình trạng mù mờ, không công khai, không công bằng. Một xã hội nghèo thông tin cũng dẫn đến nghèo nhiều thứ khác. Hay nói đúng hơn một xã hội muốn phát triển, giàu mạnh thì trước hết phải giàu về thông tin.

Kể lại câu chuyện phát ngôn hớ hênh như vị phó giám đốc Sở VH-TT một tỉnh khi được báo chí đặt vấn đề: “Đã hỏi ý kiến người dân, các chuyên gia về dự án xây văn miếu của tỉnh, tốn kém 300 tỉ đồng đã hỏi người dân hay chưa?”. Vị này trả lời tỉnh queo: “Dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến”, Cục trưởng Nghiêm lưu ý tuyệt đối không được phát ngôn tùy hứng, tùy tiện. Vì khi đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của chính quyền.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng TP.HCM luôn xác định phải định kỳ phát ngôn và thông tin cho báo chí kịp thời.

“Chúng tôi tạo ra cơ chế mở, PV, nhà báo có thể vào ngay phòng báo chí là biết được nội dung, theo dõi các cuộc họp ở phòng họp. Các PV, nhà báo có thể khai thác thông tin, các dữ liệu do UBND TP cung cấp. Chúng tôi tạo ra môi trường thân thiện, gần gũi với báo chí” - ông Hoan nói.

Người phát ngôn của UBND TP cũng khẳng định ở một TP hơn 10 triệu dân như TP.HCM, chính quyền TP làm tốt công tác báo chí tức là đã chủ động làm tốt công tác định hướng dư luận. Nhiều vấn đề nóng của TP nhờ kênh thông tin báo chí để làm cho người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của người dân TP trong việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm