Mù mờ việc xóa dự án ‘treo’

Ngày 10-12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề quy hoạch “treo”, xóa quy hoạch “treo” và quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch được nhiều đại biểu (ĐB) đặt ra.

“Đói” chủ đầu tư, dân vùng quy hoạch còn khổ dài dài

ĐB Phạm Thị Thanh Hiền phản ánh hiện nay quy hoạch khu Viện trường y tế ở huyện Củ Chi đã “treo” 11 năm qua và quyền lợi của người dân trong vùng dự án “treo”  đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với diện tích hơn 5.000 ha nằm trên địa bàn năm xã của huyện Củ Chi khiến 11.000 hộ dân bị ảnh hưởng với 43.000 nhân khẩu. Theo ĐB Hiền, quy hoạch các phân khu chức năng của khu đô thị này kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng nhà ở, thế chấp nhà cửa vay ngân hàng, kế hoạch nuôi trồng sản xuất của người dân nơi đây... “Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ, phân kỳ đầu tư, xác định rõ lộ trình cái nào ưu tiên làm trước để người dân thực hiện các quyền của mình trong khi chờ giải tỏa” - bà Hiền đề nghị.

Trả lời về các quy hoạch chậm triển khai, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP, cho hay hiện quy hoạch khu Viện trường y tế tại Củ Chi hiện vẫn chưa có chủ đầu tư cụ thể để triển khai. Ông Toàn hứa Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức rà soát, đánh giá lại quy hoạch khu Viện trường y tế TP ở Củ Chi. Còn quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi hiện nay vẫn chưa có dự án đầu tư cụ thể nên kéo dài. Sở cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân. “Bản thân mình đặt vào vị trí người dân mới thấy bao nhiêu năm nay cứ để như thế, “treo” quyền lợi làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vừa rồi Sở cũng có họp với huyện Củ Chi, căn cứ vào chính sách mới ban hành để giải quyết quyền lợi chính đáng của bà con trên quy định pháp luật” -  ông Toàn nói.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các quận, huyện phải công khai thông tin quy hoạch cho người dân được rõ. Ảnh: Hoàng Giang

Quyền lợi của dân bị “treo” lần hai

ĐB Phạm Văn Đông phản ánh có những dự án TP đã dừng chủ trương đầu tư trước đây, thế nhưng suốt sáu tháng vẫn án binh bất động. Quyền lợi của người dân không được giải quyết thỏa đáng. Theo ĐB Đông, như thế là quyền lợi của dân lại bị “treo” lần thứ hai.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT TP Đào Anh Kiệt khẳng định: “Chúng tôi kết luận rằng đến nay đã chấm dứt tình trạng dự án “treo”, vấn đề còn lại là chủ đầu tư tiếp tục thi công và người dân được bảo đảm quyền lợi như thế nào”.

Giải trình thêm xung quanh quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết ách tắc ở vấn đề tổ chức thực hiện. Theo ông Tín, TP đã tiến tới tổng điều chỉnh quy hoạch chung TP. “Đến giờ này tôi khẳng định TP đã phê chuẩn xong 300 đồ án quy hoạch phân khu, trong đó có điều chỉnh quy hoạch “treo” và quy hoạch không hợp lý” - ông Tín nói.

Ông Tín cho hay TP chỉ đạo phải công khai, minh bạch cho mọi người biết nhưng cách thực hiện đã khiến người dân không biết được thông tin. “Người dân muốn biết nhà tôi đang ở có giải tỏa làm trường học không, con đường tôi đang sống quy hoạch vào việc gì… những vấn đề bà con quan tâm đáng lẽ bốc trong cái đồ án quy hoạch phân khu đó ra thông tin cho người dân biết, đằng này các quận/huyện đã không làm. Thậm chí có quận tìm cả văn phòng chỉ có duy nhất một người đọc được đồ án thì thử hỏi dân làm sao hiểu” - ông Tín nói và đề nghị các quận/huyện sắp tới phải tổ chức công khai lại để giúp dân hiểu.

Đối với những dự án chậm triển khai đã được thu hồi nhưng người dân muốn xây nhà được không, ông Tín cho biết người dân được xây nhà. Ông Tín cũng đề nghị UBND các quận/huyện rà soát, xử lý thỏa đáng quyền lợi cho người dân.

TP.HCM cần 156.000 tỉ đồng để chống ngập

Tại phiên chất vấn liên quan đến câu chuyện chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định TP đã chống ngập nhiều năm nhưng dường như hiệu quả không rõ lắm.

Trong năm năm tới, ông Tín cho biết để chống ngập TP.HCM cần khoảng 156.000 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 88.000 tỉ đồng xây dựng 5.000 km cống và nạo vét gần 33.000 km kênh rạch để làm thông thoáng dòng chảy. Để có nguồn kinh phí này, vừa rồi TP đã làm việc với trung ương, kêu gọi nguồn ODA của các nước trên thế giới, hiện nay đang đàm phán. Như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới làm được giai đoạn 1, còn cần 250 triệu USD nữa cho giai đoạn 2; kênh Tân Hóa - Lò Gốm chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1… còn cần nguồn lực rất lớn.

Còn đối với triều cường, ông Tín cho biết toàn TP có 13 cửa lớn và hàng trăm cửa nhỏ trên dọc toàn tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ, TP sẽ xây dựng các cống có van ngăn triều tự động. Để làm hết hệ thống cống, đê bao này cũng mất khoảng 68.000 tỉ đồng, tốn kém nhưng không thể không làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm