Mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc vì... ràng buộc

Mô hình tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Intonet

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định số 3136, ngày 15-10-2008. "Với phương thức tổng thầu EPC và tư vấn giám sát do bên tài trợ chỉ định, nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này. Ngoài ra, trong điều kiện hợp đồng tín dụng ưu đãi và hợp đồng EPC quy định các thiết bị và đoàn tàu do Tổng thầu chịu trách nhiệm thực hiện và phải mua sắm sản phẩm của Trung Quốc. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng tương tự như các dự án sử dụng ODA của Nhật Bản hay Hàn Quốc khác đều sử dụng nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cung cấp thiết bị từ nước cho vay vốn"- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Bộ GTVT cho biết 13 đoàn tàu có giá trị 63.244.431 USD, bao gồm cả bảo hiểm và vận chuyển đến công trình cho 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (tổng cộng 52 toa tàu). Các đơn vị chế tạo sản xuất, lắp ráp đoàn tàu đều phải thông qua đấu thầu.

Các đoàn tàu Việt Nam chọn mua là loại tàu B1 tuân thủ theo quy phạm thiết kế Metro của Trung Quốc đã và đang khai thác ở Trung Quốc: "Tuy nhiên trong quá trình thiết kế để phù hợp với điều kiện Việt Nam, Tổng thầu EPC cũng đề xuất đưa ra 5 mẫu hình dáng đoàn tàu với cách thiết kế khoang hành khách đầu máy khác nhau để xin ý kiến phía Việt Nam - Bộ GTVT đã xem xét và đang cho làm đoàn tàu mẫu để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước. Đồng thời, dự án có gói thầu tư vấn để kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các hạng mục thiết bị, đầu máy toa xe… bao gồm cả việc chế tạo và chạy thử để cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác phù hợp về chứng nhận an toàn hệ thông đường sắt đô thị".

Bộ GTVT cho rằng, hiện công nghệ tàu của Trung Quốc đang rất phát triển dần bắt kịp với công nghệ tàu của các nước phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản. Từ năm 2000, hệ thống vận tải nhanh trên các thành phố của Trung Quốc được tăng tốc đầu tư. Thủ đô Bắc Kinh hiện đã có 18 tuyến Đường sắt đô thị, 319 nhà ga, 527 km vận hành, với năng lực vận tải tới khoảng 9 triệu hành khách/ngày. Dựa vào đó, Bộ GTVT cho rằng: "Công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc cũng rất phát triển".

Những câu hỏi chưa được giải đáp!

Trước đó, liên quan đến vấn đề trên chúng tôi đã có những câu hỏi đến Bộ GTVT về việc làm thế nào để tránh thất thoát khi mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc?. Theo hiệp định ký giữa hai Chính phủ thì việc mua tàu đã được “chỉ định”. Vậy làm sao để các dự án ODA khác Việt Nam có thể tự chủ cho mình trong việc mua các công nghệ? Toàn hệ thống metro hiện nay do Bộ quản lý có bao nhiêu công nghệ của Trung Quốc? Việc sử dụng công nghệ Trung Quốc có ảnh hưởng gì cho tiến trình xây dựng hệ thống metro trong tương lai.... Tuy nhiên những câu hỏi này không được Bộ GTVT trả lời.

Không thể "trảm" nhà thầu

Bộ trưởng Đinh La Thăng, cho biết do vướng hiệp định giữa hai nước nên ông không thể "trảm" nhà thầu: "Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể, vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn"- Bộ trưởng Thăng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm