Mua bán phiếu tái định cư là vô hiệu

Hai bên biết luật không cho mua bán phiếu tái định cư nên đều có lỗi, giao dịch vô hiệu.

TAND TP.HCM vừa y án sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng mua bán phiếu tái định cư (TĐC) căn nhà và đất giữa bà M. và ông O., buộc bà M. trả cho ông O. hơn 600 triệu đồng. Theo tòa, hai bên biết luật không cho phép mua bán phiếu TĐC nhưng vẫn thực hiện nên giao dịch này vô hiệu...

Không thực hiện giao kết

Tại tòa, hai ông bà trình bày, ngày 20-8-2007, ông O. đồng ý mua lại của bà M. phiếu TĐC một căn hộ tại phường An Khánh (quận 2) với giá 275 triệu đồng. Hai bên đã giao nhận tiền đầy đủ và bà M. ủy quyền cho ông thay bà liên hệ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, các cơ quan chức năng để làm thủ tục nhận nhà.

Tuy nhiên, tháng 8-2009, ông O. làm thủ tục đăng ký nhận căn hộ thì bà M. lại làm đơn ngăn chặn. Ông nhiều lần yêu cầu bà thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng nhưng bà né tránh khiến ông phải kiện bà ra tòa.

Mua bán phiếu tái định cư là vô hiệu ảnh 1

Xử sơ thẩm ngày 11-1, TAND quận 2 tuyên hủy hợp đồng mua bán phiếu TĐC trên, buộc bà M. trả cho ông O. hơn 600 triệu đồng (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm).

Không đồng tình, bà M. kháng cáo.

Luật không cho phép giao dịch

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, bà M. bảo TAND quận 2 xử không công bằng. Lúc đó bà bị bệnh cần tiền mổ nên mới bán phiếu TĐC. Đồng thời, bà hối hận do đã làm sai khi biết Nhà nước không cho phép mua bán phiếu TĐC nên bà không thể tiếp tục mua bán nữa. Bà chấp nhận trả cho ông 500 triệu đồng chứ không phải trên 600 triệu đồng như cấp sơ thẩm đã tính toán và tuyên án.

Phía ông O. cho rằng việc mua phiếu TĐC là sai nhưng phía bà M. cũng có lỗi.

Sau khi tòa khuyên ông nhận 500 triệu đồng thì ông xin tòa cho 10 phút hội ý. Hết giờ hội ý, ông yêu cầu tòa xử y án sơ thẩm, không chấp nhận số tiền 500 triệu đồng. Bởi số tiền thời điểm ông mua có giá trị hơn, còn bây giờ đã trượt giá. Chưa hết, kể từ ngày mua tới nay đã năm năm nhưng ông vẫn không có nhà ở.

Sau khi xem xét, tòa cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng mua bán phiếu TĐC giữa hai bên được lập bằng giấy tay, mặt khác các bên không thể đưa phiếu TĐC ra giao dịch do luật không cho phép nên giao kết giữa đôi bên vô hiệu cả về hình thức lẫn nội dung. Giao kết này cả hai bên cùng có lỗi bởi đều biết mình sai nhưng vẫn cố tình thực hiện. Do đó cả hai bên cùng phải chịu lỗi ngang nhau khi có thiệt hại xảy ra... Cuối cùng, tòa tuyên y án sơ thẩm về phần này.

Năm 2005, sau khi nhà bị giải tỏa, vợ chồng ông H. được UBND quận 2 (TP.HCM) cấp cho một phiếu TĐC. Ngay sau đó, vợ chồng ông đã bán phiếu cho ông B. với giá 145 triệu đồng. Nhận phiếu, ông này lại tiếp tục bán cho người khác. Khi phiếu qua tay đến người thứ năm thì vợ chồng ông H. nhận được quyết định của UBND quận 2 cho hưởng suất TĐC là căn nhà có diện tích 200 m2 hoặc sẽ được nhận bằng tiền là 2,4 tỉ đồng.

Năm 2007, vợ chồng ông H. đã kiện ông B. ra TAND quận 2 đòi hủy hợp đồng mua bán phiếu TĐC nói trên. Cuối năm 2008, hai bên hòa giải thành, ông B. đồng ý trả lại phiếu TĐC và nhận từ ông H. 200 triệu đồng.

Một năm sau, ông B. đã kiện đòi hủy hợp đồng mua bán phiếu TĐC trên với những người mua lại sau này. Ngày 18-9-2009, TAND quận 2 đã tuyên hủy các hợp đồng vì vô hiệu. Theo tòa, phiếu TĐC chỉ ghi nhận được đền bù, chưa xác định được quyền sở hữu của vợ chồng ông H. với một tài sản cụ thể nào. Tài sản đó không có thực tại thời điểm các bên giao dịch. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự, khi hai bên giao dịch và giao vật không đồng bộ thì hợp đồng này có thể bị hủy bỏ. Mặt khác, tiêu chuẩn TĐC chỉ dành cho người bị giải tỏa nên việc mua bán lại giữa các bên là không phù hợp và tòa tuyên vô hiệu...

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm