Mưa lớn ở Nam Trung bộ kết thúc, nhưng tuyệt đối không chủ quan

Sáng 1-12, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên.

Báo cáo của Ban chỉ đạo, tính đến sáng nay (1-12), đợt mưa lũ ở miền Trung đã làm 10 người chết và mất tích. Trong đó, Bình Định ba người, Phú Yên sáu người, Kon Tum một người.

Hiện đang có 59.739 ngôi nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639) và hơn 4.700 hộ bị chia cắt ở Tuy An, Phú Yên với mức độ ngập sâu từ 1-2 m. Chính quyền địa phương đã sơ tán tại chỗ hơn 6.000 hộ dân, chủ yếu ở Phú Yên.

Nhiều nơi của Phú Yên đang ngập sâu. Ảnh: CÔNG NGUYÊN

Dự báo về tình hình mưa lũ sắp tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết hiện đợt mưa lớn ở Nam Trung bộ đã kết thúc. Dự báo từ nay đến cuối năm, khu vực này cũng ít có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn tiếp theo.

Về tình hình lũ, dự báo chiều tối nay lũ trên các sông sẽ xuống. Cụ thể sông Vệ sẽ xuống  trên mức báo động (BĐ) 1 khoảng 0,2 m. Đến sáng sớm mai 2-12, hầu hết các sông sẽ xuống dưới BĐ 1,2; riêng khu vực Bình Định xuống dưới BĐ 3 khoảng 0,2 m. 

Ngoài mưa lớn ở miền Trung, ông Khiêm cũng lưu ý về đợt không khí lạnh tăng cường ở miền núi phía Bắc, duy trì trong 4-6 ngày tới. Theo dự báo, khu vực Bắc bộ có thể xuống 11-14 độ, vùng núi cao 7-10 độ, trên đỉnh núi cao xuống dưới 5 độ. Đợt không khí lạnh này khô, ít mây nên khả năng xuất hiện sương muối vào đêm và sáng sớm.

Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: PCTT

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, nêu ý kiến, qua đợt mưa lũ này, các hồ chứa đã đầy nước, trong khi đó các liên hồ chứa ở miền Trung vận hành hết sức khó khăn, phức tạp vì số lượng hồ chứa nhiều, mưa tập trung, hồ trên đổ xuống hồ dưới. Đây là câu chuyện mà chúng ta phải rà soát, tính toán để phối kết hợp cho tốt.

"Tối qua chúng tôi mới nhận được công văn kêu cứu của tỉnh Phú Yên và đã lập tức cùng các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra để có sự phối kết hợp, xử lý tốt. Tuy nhiên có một điều là khi Phú Yên kêu cứu, thì các hồ chứa ở thượng nguồn cũng đã đầy nước và sử dụng hết dung tích phòng lũ" - ông Hoài nói.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Minh Hoan, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay theo báo cáo của các địa phương, lũ trên các sông đang xuống. Tuy nhiên chúng ta cần chủ động, không lơ là, mất cảnh giác. Vì mưa lũ, ngập lụt khiến đồi núi, đất đai đã ngấm no nước, người dân, chính quyền địa phương đã mệt mỏi nên chỉ cần một chút bất cẩn sẽ có điều đáng tiếc xảy ra.

Ông Hoan yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện số 1659 của Thủ tướng, đồng thời chủ động thống kê thiệt hại, phần nào địa phương chủ động được, phần nào cần hỗ trợ của Trung ương để hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp cho bà con được ăn Tết cổ truyền tươm tất.

"Bà con nóng ruột muốn ra đồng sớm để bù lại những ngày thiệt hại do lũ lụt nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp ở các khu vực xung yếu như bờ sông, bờ suối... nên địa phương cần lưu ý vấn đề này. Với những gia đình có người tử vong, địa phương cần có chế độ chính sách, thăm hỏi kịp thời" - ông lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm