Mưa lũ miền Trung: Đã có thiệt hại về người

Tại Hà Tĩnh, riêng huyện Hương Khê có 18 xã bị ngập cục bộ, trong đó có sáu xã đã bị nước lũ cô lập, ba cầu dân sinh bị ngập. Tình trạng ngập cũng xuất hiện tại các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà... khiến hàng ngàn hecta lúa và hoa màu chìm trong nước.

Ở Nghệ An, mưa lớn từ sáng đến trưa 4-9 làm nhiều tuyến đường ở TP Vinh ngập úng, ách tắc giao thông. Có hơn 10.000 ha lúa trên địa bàn các huyện chưa kịp thu hoạch có nguy cơ bị hỏng.

Còn tại Quảng Bình, trên các sông suối trên lưu vực sông Quảng Bình xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động hai, báo động ba. Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường tại khu vực miền núi Quảng Trị bị chia cắt, nhiều công trình hư hỏng, trong đó cầu Ra Lây (huyện Đăkrông) bị nước xoáy vào làm sạt lở đường dẫn lên cầu.

Công an huyện Hương Khê đi phát mì tôm cho các hộ gia đình đang bị cô lập trong nước lũ. Ảnh: ĐẬU NHUNG

Ngoài thiệt hại về vật chất, tình hình mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại về người. Theo đó, Quảng Bình có một người tử vong, một người mất tích và một người bị thương. Cụ thể, bé Trần Tiến Duy (hai tuổi, thị xã Ba Đồn) bị nước cuốn tử vong vào chiều 3-9; chị Hồ Thị Chăn (huyện Minh Hóa) bị mất tích vì lũ hôm 2-9 khi đi xúc cá. Người bị thương là Trần Huy (thị trấn Đồng Lê), gãy ba xương sườn lúc trèo lên mái Trường Tiểu học số II TT Đồng Lê đặt bao cát chống gió rồi bị trượt chân.

Trong chiều 4-9, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xác nhận người đàn ông bị nước lũ cuốn, tử vong ở hồ Bình Sơn (gần trước trụ sở thị trấn Hương Khê) là ông Lê Văn Bân (56 tuổi, công an viên, ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê). Trưa cùng ngày, ông Bân đi ăn giỗ ở nhà người thân, lúc về bị gió thổi khiến áo mưa quấn vào bánh xe máy làm ông ngã xuống nước.

Cũng vì mưa lũ, có chín người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh) khi vào rừng lấy lá nón đã bị mắc kẹt, hiện chỉ mới có một người trở về. Những người còn lại vẫn đang lánh nạn trên núi.

Áp thấp nhiệt đới đã tan nhưng nguy cơ lũ vẫn lớn

Lúc 17 giờ 30 ngày 4-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát cảnh báo về lũ trên sông Ngàn Sâu và các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên. Theo đó, dự báo lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và sông Gianh tiếp tục lên, sông Kiến Giang và sông Thạch Hãn có khả năng lên lại và dao động ở mức cao. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng, TP và khu đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai. Đặc biệt là các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vụ Quang (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình), Hướng Hóa, Đăkrông (Quảng Trị).

Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cùng ngày, các địa phương được yêu cầu chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện.

Được biết trong ngày 4-9, áp thấp nhiệt đới cuối cùng gây ra đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua đã suy yếu thành vùng áp thấp.

AN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm