Mức độ chịu đựng vòi vĩnh của người dân tăng lên?

Báo cáo PAPI 2014 là kết quả nghiên cứu và khảo sát năm thứ tư liên tiếp trên phạm vi toàn quốc, dựa trên trải nghiệm của gần 14.000 người dân từ 63 tỉnh, thành.

Theo báo cáo PAPI, khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong dân dường như gia tăng theo thời gian. Khi được hỏi về số tiền đòi hối lộ phải lớn tới mức nào thì người dân bắt đầu tố cáo cán bộ UBND xã/phường hoặc công an xã/phường vòi vĩnh, trung bình toàn quốc, mức tiền đó tăng mạnh từ 5,52 triệu đồng năm 2011 lên 8,89 triệu đồng năm 2014. Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân Lào Cai có khả năng chịu đựng tham nhũng cao hơn, bởi giá trị trung bình khi họ bắt đầu tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ chính quyền cơ sở là 16,82 triệu đồng.

Phát hiện nghiên cứu từ khảo sát PAPI trong bốn năm qua cho thấy mức độ phổ biến việc đưa “lót tay” và tình trạng “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực công vụ, ngay cả ở cấp chính quyền thấp nhất. Đáng chú ý, hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có tới gần 50% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương họ.

Cạnh đó, đánh giá của người dân về hiện trạng tham nhũng trong khu vực công cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền ít có chuyển biến tích cực và trong một số lĩnh vực, mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh có xu hướng gia tăng. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 24% số người đi làm giấy đỏ đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả. Để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 12% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế. Và để con em nhận được sự quan tâm tới chất lượng học tập ở trường tiểu học, có tới 30% số phụ huynh phải “bồi dưỡng thêm” cho giáo viên.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy xu hướng gia tăng hiện tượng tham nhũng vặt so với các tỉ lệ tương ứng trong năm 2012, với 17% số người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 10% số người sử dụng dịch vụ bệnh viện công tuyến huyện và 12% số người có con em học tiểu học.

Thay mặt cho nhóm chuyên gia, ông Jairo Acuna- Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP Việt Nam, nhận xét “quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền cấp tỉnh năm 2014 hầu như không thay đổi so với các năm trước”. Trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi cho biết chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra tại địa phương. Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ (gần 3%) số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi đó. Đáng chú ý, 56,33% số những người đã bị vòi vĩnh cho rằng “tố cáo không mang lại lợi ích gì”.

Câu hỏi mới trong bộ phiếu hỏi PAPI năm 2014 cũng tìm hiểu mức độ hài lòng của người dân bị thu hồi đất về mức độ bồi thường bằng tiền. Nhìn chung ý kiến trả lời cho thấy mức độ hài lòng thấp. Chỉ có 36% những người trong hộ gia đình bị mất đất trong năm 2014 cho biết giá bồi thường đất nhận được xấp xỉ giá thị trường… Kết quả này phần nào tương ứng với kết quả nghiên cứu trước về việc người dân mất đất không hài lòng với chính sách bồi thường của Nhà nước. Theo khảo sát được Ngân hàng Thế giới (WB) nêu trong báo cáo năm 2011, hơn 80% số người dân ở ba đơn vị tỉnh được chọn khảo sát cho biết mức bồi thường họ nhận được là không thể đủ để mua quyền sử dụng đất ở mảnh đất khác có diện tích tương đương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.