Năm 2020: Phải dám nghĩ, dám làm

Phát biểu chỉ đạo này của Thủ tướng ngày 31-12-2019 với các địa phương là điểm mấu chốt cho câu chuyện phát triển. Bài học từ quá khứ đã chứng minh cho tư tưởng ấy.

Hẳn mọi người vẫn nhớ công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã mang lại cho đất nước những thay đổi quan trọng như thế nào về kinh tế, xã hội và văn hóa. Nên nhớ rằng trước năm 1986, đất nước lâm vào khó khăn, thiếu ăn triền miên. Đổi mới được hai năm, tức năm 1988, Việt Nam vẫn phải nhập hơn 450.000 tấn gạo. Vậy mà cũng chỉ hai năm sau, năm 1990, Việt Nam đã đủ gạo ăn, có dự trữ và xuất khẩu. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn trong tốp các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy: Một khi được khơi thông thì mọi nguồn lực luôn được bật ra để đưa đất nước vươn xa. Dĩ nhiên, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh mẽ đổi mới, sáng tạo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là một đòi hỏi với cả bộ máy.

Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước thu nhập trung bình. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, chất lượng tăng trưởng ngày càng nâng cao. Và bài học trong từng giai đoạn đã cho thấy: Chỉ cần những cải cách được tiến hành thực chất thì đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh… để nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước. Chính phủ và Thủ tướng  nhiều lần yêu cầu phải xóa chồng chéo, xung đột pháp luật.

Chỉ cần một thông tư yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ đã làm cho doanh nghiệp bí bách, chi phí tăng lên và hiệu quả kinh doanh giảm. Chỉ cần một quy định được “cài cắm” nhằm bảo vệ quyền lợi cục bộ của bộ, ngành cũng đặt doanh nghiệp, người dân trước những rủi ro pháp lý. Chỉ một câu, một chữ, một dấu phẩy… trong một văn bản quy phạm pháp luật đặt sai vị trí cũng khiến người dân, doanh nghiệp đau đầu, chạy đôn chạy đáo…

Bởi thế mà Thủ tướng nói “tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” là có lý do của nó. Những khó khăn, vướng mắc chắc chắn không phải không được nhìn ra nhưng để chặt đứt nó vẫn cần một quyết tâm rất cao của toàn hệ thống. Vì sự trì trệ, cục bộ dường như vẫn cứ ẩn nấp đâu đó, kéo lùi những cải cách, đổi mới vì dân, vì nước. Trong khi đó, trước yêu cầu phát triển thì cải cách phải được tiến hành triệt để.

Người dân và doanh nghiệp bước vào năm mới 2020 với nhiều kỳ vọng đổi mới từ thông điệp khơi thông mọi nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn của Thủ tướng. Mong rằng sự quyết liệt đó của Thủ tướng sẽ được truyền đi một cách mạnh mẽ, thông suốt từ hệ thống chính trị tới doanh nghiệp và mọi người dân! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm