Năm 2025, hoàn tất di dời 80 trường đại học ở TP.HCM và Hà Nội

Bộ Xây dựng kiến nghị không nên giữ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn nội thành, đặc biệt là những trường có quỹ đất quá nhỏ (dưới 2 ha). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu rõ từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành TP Hà Nội và TP.HCM. Mỗi TP sẽ có ít nhất 40 trường phải di dời trong giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, mỗi TP thí điểm di dời năm trường với nhu cầu vốn tính cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thì cần 1.200 tỉ đồng. Giai đoạn 2015-2020 mỗi TP sẽ di dời tiếp khoảng 10-15 trường, nhu cầu vốn tương ứng từ 36.000 tỉ đồng chưa tính các chi phí giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2020-2030 di dời các trường còn lại. Hà Nội cần khoảng 1.600 ha, TP.HCM cần khoảng 1.750 ha đất đai để thực hiện.

Theo tính toán của hai bộ GD&ĐT và Xây dựng, cơ sở cũ của các trường trong nội thành sẽ được ưu tiên cho mục tiêu giáo dục và đào tạo (chuyển đổi công năng xây dựng cơ sở cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông); tái cơ cấu sử dụng đất: 30% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật; 70% diện tích đất dành cho các trường phổ thông, công trình thương mại, dịch vụ (không bố trí công trình nhà ở). Để tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở mới: đấu giá diện tích đất cơ sở cũ (phần cho công trình thương mại, dịch vụ); Nhà nước hỗ trợ vay vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi TP cho vay kích cầu…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD&ĐT bàn bạc với hai TP để đẩy nhanh tiến độ di dời, đến năm 2025 hoàn tất việc di dời. Phó Thủ tướng đồng ý với nguyên tắc những trường đặc biệt liên quan đến công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng thì có thể duy trì để lưu giữ, bảo tồn, bảo quản và tôn tạo, không ảnh hưởng đến quy hoạch chung.

Về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chỉ tiêu số sinh viên/1 vạn dân từ 450 xuống còn 400 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020. Chỉ tiêu quy mô sinh viên ngoài công lập từ 40% xuống 30% vào năm 2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tương lai không khuyến khích mở thêm trường công lập, mà tập trung nâng cao chất lượng các trường đã có. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trường ĐH, CĐ tư thục tại các địa bàn có điều kiện để cùng Nhà nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

QD - L.ĐỨC - BP- VH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm