Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân?

Cốt nền xây dựng các công trình đô thị nói chung, cốt nền nhà dân như thế nào so với cốt đường giao thông không "chỏi" nhau gây ra cảnh đường thì cao, nhà dân tụt xuống thành hầm chứa nước mưa ngập, triều cường...

 Đó là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Đường giao thông và thoát nước đô thị ở TP.HCM" được Sở GTVT và Hội Cầu đường cảng TP.HCM tổ chức hôm nay (24-11).

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 1
Quận 7, huyện Nhà Bè nằm trên vùng trũng thấp nên các tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát luôn ngập khi mưa lớn, triều cường.

Theo Sở GTVT, có gần 64% diện tích tự nhiên của TP thuộc vùng thấp, trũng (có cao độ dưới 1,5 m, trong khi các cơn triều cường vừa qua đã đạt 1,68 m). Các vùng thấp điển hình là quận 7, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, triền sông Sài Gòn thuộc các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh...

Từ sau năm 2001, cao độ xây dựng khống chế được xác định là cao hơn 2 m. Từ đây nhiều khu vực, nhà dân được xây dựng từ trước bị gánh chịu cảnh chìm, trũng xuống khi đường được sửa chữa, làm mới với cao độ trên 2 m.

Theo Sở GTVT, muốn tránh sự mâu thuẫn, "chối chẳng" nhau giữa nâng đường với xây dựng nhà của dân thì phải công bố, công khai rộng rãi cốt nền đường (tương lai), cốt nền nhà ở từng khu vực, tuyến đường.

Cũng theo Sở GTVT, với các dự án làm đường được duyệt thì yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao hồ sơ thiết kế cho quận, phường để nơi này làm cơ sở cấp phép xây dựng nhà cho dân và thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên xem dân có xây nhà theo đúng cốt nền được duyệt không.

Cũng theo Sở GTVT, các sở, ngành, quận, huyện cần tiếp tục kiến nghị UBND TP phê duyệt chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường chống ngập...

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 2
Bình Chánh cũng là huyện nằm ở vùng thấp nên quốc lộ 1, đoạn gần cầu Bình Điền luôn ngập khi có triều cường.

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 3
Đường Kinh Dương Vương, trước cửa Bến xe Miền Tây được nâng lên 2 m đã làm cho toàn bộ mặt bằng bến này hụt trũng xuống.

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 4
Đường nâng, hố ga, vỉa hè cũng phải nâng theo nên việc đi lại của người dân trên đường và ra vào nhà mình bị ảnh hưởng lớn.

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 5
Nhiều hộ dân trên đường Kinh Dương Vương biết được cốt nền đường, cốt nền nhà phải theo nên đã chủ động xây nhà cao hơn đường hiện hữu nên khi đường được nâng lên đã không bị ảnh hưởng nặng nề.

Nâng đường làm sao không gây ngập nhà dân? ảnh 6
Với các khu dân cư đang chuyển dần thành khu đô thị, theo Sở GTVT khi thiết kế các tuyến đường mới thành trục chính thì cần xem xét bố trí đồng bộ các đường gom dân sinh, kết nối cấp thoát nước, công trình ngầm thuận lợi để giảm thiểu ảnh hưởng đến việc dân xây dựng nhà và nâng cấp các đường gom, đường nhánh sau này. Làm tốt điều này sẽ tránh được tình trạng nâng trục chính thì đường dân sinh, đường nhánh, hẻm... lại trở thành đường gom nước mưa, nước triều cường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm