Nâng tốc độ chạy xe: Cần thiết nhưng nên thận trọng

“Nâng tốc độ chạy xe ở nhiều tuyến đường nội thị là cần thiết nhưng phải được thực hiện thận trọng, hợp lý”. Đó là ý kiến của cán bộ ngành giao thông TP.HCM về dự thảo của Bộ GTVT (Pháp Luật TP.HCM ngày 22-10).

Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM:

Cần xem xét từng tuyến một

Hiện nay toàn bộ hệ thống đường đô thị ở TP.HCM cho phép các loại xe lưu thông tối đa 40 km/giờ. Chỉ có một số tuyến mới như Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội… có nhiều làn đường riêng biệt nên có phân biệt tốc độ của xe máy khác với ô tô (50 và 60 hoặc có nơi là 50 và 70 km/giờ). Dù những tuyến đường này rất rộng, có phần đường cho xe máy và ô tô riêng nhưng do toàn tuyến phải liên tiếp qua nhiều ngã ba, ngã tư nên việc đẩy tốc độ lên quá cao cần phải xem xét thận trọng.

Ngoài ra, các tuyến đường đủ tiêu chuẩn nâng tốc độ nhưng có nhiều đoạn cong nguy hiểm như đường Trường Sa - Hoàng Sa thì ngành GTVT sẽ vẫn cắm biển hạn chế 40 km/giờ.

Hiện nhiều tuyến đường nội thị đã được Sở GTVT TP.HCM chủ động nâng tốc độ lưu thông so với quy định. Ảnh: L.ĐỨC

Ông VŨ KIẾN THIẾT, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2:

Không nên làm tràn lan

Dự thảo của Bộ GTVT dựa trên ba tiêu chí: đường tốt; chất lượng các loại xe đã nâng cao; ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã cải thiện. Nhưng một yếu tố chưa được xem xét đó là số lượng xe lưu thông cũng đang tăng mạnh, nhất là ở các đô thị lớn.

Xin nêu ví dụ, cách nay vài năm Sở GTVT TP.HCM thấy tốc độ trên xa lộ Hà Nội quá chậm nên cho tăng lên ở cả làn xe máy, ô tô con và xe tải. Nhưng gần đây mật độ phương tiện trên tuyến đường này tăng lên rất nhiều, do vậy tới đây Sở sẽ phải giảm tốc độ lại. Từ thực tế trên, thiết nghĩ việc nâng tốc độ không thể làm tràn lan mà nên giao cho các đơn vị quản lý cầu đường ở từng địa bàn căn cứ tình hình thực tế mà triển khai.

Ông NGUYỄN BẬT HẬN, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT:

Bớt biển cấm, tăng biển cảnh báo

Đường đô thị ở TP.HCM có đặc trưng là qua nhiều cầu có tĩnh không cao, chưa kể bảy cầu vượt ở các giao lộ. Khi tới gần các cầu, xe sẽ phải giảm tốc độ. Do đặc điểm trên nên tới đây nếu tốc độ trên đường đô thị được nâng lên thì phải cắm biển báo giảm tốc độ vào/ra, lên/xuống cầu từ xa để tránh trường hợp phải thắng gấp khi xe đang chạy nhanh.

Về biển báo, theo tôi không nên cắm biển báo hạn chế tốc độ ở gần hai đầu cầu mà chỉ nên sử dụng biển cảnh báo nguy hiểm, chạy chậm lại. Đây cũng là cách hạn chế việc dựa vào biển báo (cấm) để bắn tốc độ tràn lan.

Ông NGUYỄN VĨNH NINH, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1:

Coi chừng đẩy ùn ứ từ chỗ này qua chỗ khác

Nếu Bộ GTVT cho phép nâng tốc độ đường nội thị thì các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng vào thực tế. Lấy ví dụ đường Phạm Văn Đồng hiện đã thông gần suốt tuyến nhưng chúng tôi đang nghiên cứu xem có nên nâng tốc độ lưu thông không. Bởi khi đó lượng xe máy sẽ dồn nhanh về ngã năm Gia Định và về các tuyến gần cầu Bình Triệu, gây ùn ứ khu vực này. Đây là kinh nghiệm rút ra từ đường Trường Chinh - Cộng Hòa (giải tỏa được trên đường Trường Chinh lại đẩy ùn ứ về Cộng Hòa) trước đây.

Tôi hoàn toàn đồng ý nâng tốc độ xe chạy lên thêm 10 km/giờ tại các khu vực không đông dân cư. Riêng khu vực đông dân cư thì nên giữ nguyên như hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông.

Chị NGUYỄN THỊ LIÊN, 32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM

Việc nâng tốc độ chạy xe ở các tuyến đường lớn là hợp lý. Đừng nên quá lo ngại điều này sẽ làm gia tăng TNGT bởi hiện chất lượng đường sá và các phương tiện đều được nâng cao rất nhiều. Quan trọng là ý thức của người lái xe mà thôi. Những người ý thức kém thì quy định 40 km/giờ họ cũng phóng 60-70 km/giờ thôi.

Anh NGUYỄN VĂN HÙNG, công nhân, ngụ quận Gò Vấp

HỒNG TRÂM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm