Náo loạn công đường vì... không được ly hôn

Sáng 18-11, tại phòng xử TAND TP.HCM (Tòa Lao động, 26 Lê Thánh Tôn, quận 1) xảy ra vụ náo loạn công đường do đương sự trong một vụ ly hôn quậy phá. Vụ náo loạn xảy ra ngay sau khi tòa vừa tuyên án. Ông HC - nguyên đơn vụ ly hôn - đã bất ngờ nhào lên gây náo động phòng xử.

Đề nghị xử nghiêm

Đó là bản án phúc thẩm xử bác kháng cáo đòi ly hôn giữa ông HC và vợ. Ngay sau khi chủ tọa đọc xong bản án, ông HC đã ra khỏi vị trí của đương sự và tiến nhanh đến bàn của HĐXX đập những bảng ghi chức danh của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng (thẩm phán, chủ tọa, luật sư...). Chưa dừng lại, ông HC còn đập phá và xô kéo bàn ghế ngã hết.

Nghe tiếng động, bảo vệ tòa án lập tức chạy đến ngăn cản nhưng ông HC vẫn không chịu dừng. Đến khi khống chế được ông HC, tòa đã gọi điện thoại cho Công an phường Bến Nghé đến làm việc. Công an đã đưa xe đến chở ông HC về trụ sở.

Bà T., vợ ông HC, vội chạy theo nói sẽ bồi thường những tài sản chồng đã đập phá. Sau đó, công an phường cử tổ cán bộ đến tòa lập biên bản hiện trường phòng xử.

Náo loạn công đường vì... không được ly hôn ảnh 1

Hiện trường phòng xử án ngổn ngang sau khi ông HC quậy. Ảnh: HY

Công an ghi nhận tại hiện trường hư bốn tấm bảng ghi chức danh trị giá 280.000 đồng. Đồng thời, công an ghi lời khai của những người chứng kiến, nhất là HĐXX. Công an phường cho biết đang làm rõ vụ việc để xử lý bước tiếp theo. Phía tòa án yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc để bảo vệ sự nghiêm minh chốn công đường.

Tòa muốn xử cũng... chào thua

Vụ việc này một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động tình trạng náo loạn chốn công đường, làm mất uy nghiêm chốn pháp đình. Điểm yếu nhất ở ta là thiếu lực lượng tư pháp bảo vệ phiên tòa, thực tiễn xử lý lại còn quá nhẹ tay nên đương sự mới coi thường HĐXX và những người tham gia tố tụng khác.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết các trường hợp gây rối thường xảy ra ở các phiên tòa phi hình sự. Chuyện các bên đương sự tức giận cãi lộn, chửi rủa nhau, thậm chí lăng mạ HĐXX không hiếm. Thông thường thẩm phán chủ tọa vận dụng quyền điều khiển phiên tòa để yêu cầu người gây rối ra khỏi phòng xử. Nếu họ không chấp hành, tiếp tục gây rối thì tòa nhờ công an phường hoặc cảnh sát 113 đến hỗ trợ. Có chuyện này bởi dù luật cho phép thẩm phán chủ tọa được xử phạt hành chính người gây rối nhưng hầu như tòa chưa thực hiện được bởi chưa có hướng dẫn phải xử lý thế nào, phạt ra sao...

Nhiều thẩm phán xử án dân sự cho biết thêm, các tòa, các thẩm phán không muốn “làm trò cười” khi ra quyết định xử phạt hành chính nhưng lại thiếu cơ chế để thi hành. Thực tế, nếu tòa xử phạt hành chính một ai đó như phạt tiền thì quyết định này sẽ thực thi thế nào? Cơ quan nào thi hành: UBND, công an hay thi hành án dân sự? Các cơ quan này đều chưa có cơ chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của tòa. Chẳng lẽ tòa tự cử cán bộ đi tìm người gây rối yêu cầu nộp phạt? Nếu họ không chấp hành thì sao? Đặt giả thiết người bị phạt tự nguyện chấp hành quyết định thì họ sẽ nộp tiền phạt thế nào, nộp vào đâu?...

Cần sớm có quy định xử lý

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nói khung cảnh lộn xộn, náo loạn tòa án là điều không thể chấp nhận được. Bởi tòa án là nơi tôn nghiêm, hầu hết các nước khi bước vào tòa án phải thông qua một hệ thống an ninh chặt chẽ, bất kỳ tiếng động nhẹ nào cũng bị nhắc nhở. Còn ở ta, chính bởi sự gần dân nên việc bảo vệ an ninh phiên xử chưa thật nghiêm. Vì vậy, sự uy nghiêm, quyền uy của HĐXX chưa được bảo vệ và đề cao đúng mực.

Thực tiễn cho thấy hầu như chưa có trường hợp nào chủ tọa đích thân ra quyết định giam giữ người gây rối. Hiện TAND Tối cao đang dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Dự thảo này cần sớm hoàn chỉnh để đưa vào áp dụng. Đặc biệt, nên quy định chặt chẽ các hành vi vi phạm tại phiên tòa cũng như thủ tục xử phạt tại tòa. Bởi muốn xử phạt hành chính, trước tiên tòa phải lập biên bản vi phạm, sau đó mới ra quyết định xử phạt. Việc lập biên bản vi phạm hành chính không đơn giản, phải đảm bảo có đủ các bên ký vào, có cả người chứng kiến. Nhưng lúc lộn xộn, tòa mải lo đối phó, khi ổn định được trật tự thì người gây rối đã bỏ đi, đến biên bản tòa còn chưa lập được thì lấy gì mà xử phạt. Chưa kể, mẫu biên bản xử phạt hành chính của tòa cũng chưa có. Thêm vào đó là tâm lý thẩm phán sợ xử phạt hành chính sẽ bị kiện ra tòa rồi vướng vào những rắc rối không đáng có.

“Chính những điều trên đã khiến chủ tọa phiên tòa chưa mạnh dạn thực hiện quyền xử lý đương sự gây rối mà phải chờ phía công an. Cần đẩy mạnh công tác bảo vệ phiên tòa, cụ thể là phải có lực lượng cảnh sát tư pháp tại tất cả phiên xử hình sự và phi hình sự” - Thẩm phán Phạm Công Hùng nói.

Không cho ly hôn nên quậy

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông HC và bị đơn là bà VTT (cùng ngụ quận Tân Bình). Trước đó, tháng 7, TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm đã bác yêu cầu xin ly hôn của ông HC. Tòa sơ thẩm nhận định mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức trầm trọng, có thể hàn gắn. Bởi trước đó, vài tháng sau khi nộp đơn ly hôn, ông HC cũng chủ động rút đơn để đoàn tụ gia đình...

Không đồng ý với phán quyết của cấp sơ thẩm, ông HC kháng cáo yêu cầu sửa án. Tại tòa, bà T. trình bày còn yêu thương chồng, cả hai đều lớn tuổi nên mong muốn được tiếp tục chung sống để chăm lo cho nhau. Cạnh đó, con trai đang chuẩn bị kết hôn nên không muốn cha mẹ ly hôn. Bà biết (qua lời người khác) chồng có ngoại tình nhưng vẫn thiết tha mong gia đình được hàn gắn. Ngược lại, ông HC cho rằng vợ ông mê bài bạc làm tài sản bị mất và nay đã hết tình cảm nên mong được ly hôn.

Tại phiên phúc thẩm hôm qua, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của nguyên đơn. Đồng tình, HĐXX nhận định ông HC không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh cho lời khai của mình. Việc nói vợ bài bạc là chuyện xảy ra đã lâu, từ năm 2000. Từ đó, tòa không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông HC.

_____________________________________________

Tại Mỹ, nếu đương sự gây rối tại tòa, lập tức thẩm phán sẽ ra lệnh cho lực lượng an ninh (tại tất cả phiên tòa đều có mặt lực lượng này, có thể là cảnh sát tư pháp hay nhân viên an ninh của tòa) bắt giữ. Sau đó, lực lượng này sẽ chuyển sang cơ quan công tố để truy tố về hành vi quấy rối và đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Mức phạt thường rất nặng và sẽ ghi vào lý lịch tư pháp của người quấy rối.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm