Nên hay không làm luật theo trình tự rút gọn

Một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) cho nhiều ý kiến là có nên hay không nên xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn…

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thừa nhận quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều quy trình, thủ tục quá rườm rà dẫn đến chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các vấn đề đời sống đặt ra. Tuy nhiên, ĐB Hoa cho rằng việc thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng luật cũng có những hạn chế, yếu kém mà thực tế đã gặp phải. ĐB Hoa phân tích khi tiến hành theo trình tự rút gọn, đương nhiên sẽ rút gọn ở tất cả các khâu, từ khâu quy trình, thời gian thực hiện cho đến hồ sơ thủ tục… Dẫn đến một số chính sách đưa vào dự luật đã không được tính toán kỹ, không có căn cứ để Quốc hội thảo luận; hay là quy trình lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan cũng không được thực hiện đầy đủ cho nên chất lượng luật, các chính sách thực hiện không thuyết phục.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết về cơ bản UBPL nhất trí với dự thảo luật bổ sung ba hình thức văn bản cần được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, gồm:

1. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Thông tư liên tịch của tổng Kiểm toán Nhà nước với chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan hiện đang được giao tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng.

3. HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời bãi bỏ văn bản được ban hành không đúng hình thức, trình tự, thủ tục hoặc có sai sót về nội dung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm