Nên quy hoạch khu vực kinh tế vỉa hè

“TP đã thực hiện chấn chỉnh tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè từ nhiều năm nay chứ không phải đến giờ mới làm. Thời gian qua, một số địa phương đã có thông báo để người dân có thời gian chuẩn bị, tìm cách chuyển đổi nghề nghiệp”. Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, cho biết khi đề cập đến đề xuất cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh trên 112 tuyến đường (Pháp Luật TP.HCM ngày 27-4).

Lo lắng

Theo khảo sát trong ngày 27-4, người dân tại một số tuyến đường bị ảnh hưởng đón nhận thông tin trên với tâm trạng khác nhau. Bà Ngô Thị Thanh Châu (quận 3) cho rằng thời gian qua vỉa hè đã bị chiếm dụng tràn lan. Nhiều nơi đã bị quán nhậu, quán ăn lấn chiếm toàn bộ, không còn chỗ cho người đi bộ. Do vậy, động thái của cơ quan chức năng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có không ít người mất ăn, mất ngủ khi nghĩ đến việc mưu sinh về sau. Chị Thảo bán nước trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) cho hay gần 20 năm nay, chị và nhiều người khác cùng bám vỉa hè để nuôi cả gia đình. “Mấy năm gần đây, TP cho phép buôn bán trên vỉa hè có thu phí nên chúng tôi đỡ hơn, không phải vừa buôn bán vừa lo bị thu gom bàn ghế nữa. Nhưng sắp tới, nếu TP cấm triệt để thì cuộc sống của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” - chị Thảo nói.

Nên quy hoạch khu vực kinh tế vỉa hè ảnh 1

Một đoạn vỉa hè trên đường Độc Lập, quận Tân Phú bị lấn chiếm để kinh doanh. Ảnh: HTD

Những người buôn bán xe máy cũ trên đường Minh Phụng (phường 5, quận 6) cũng rất xôn xao về thông tin này. “Quy định của TP thì đương nhiên chúng tôi phải chấp hành. Nhưng buôn bán xe cũ mà không cho bày xe ra ngoài thì khó có khách mua. Chúng tôi cũng chưa biết tính toán thế nào” - ông Quang, chủ một cửa hàng, bày tỏ.

Đi tìm giải pháp phù hợp

Ông Trần Bá Văn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Trương Vĩnh Ký (phường Tân Quý, quận Tân Phú), đồng tình với chủ trương chấn chỉnh trật tự vỉa hè của TP. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên có giải pháp uyển chuyển khi thực hiện.

“Những vỉa hè hẹp, có đông người qua lại, ở khu trung tâm… cần phải cấm kinh doanh triệt để. Còn những nơi có vỉa hè rộng rãi, ít người qua lại thì nên xem xét cho người dân sử dụng một phần vỉa hè để trưng hàng hóa. Như vậy, người dân có thể mưu sinh, Nhà nước cũng thu thêm được một khoản thuế để đầu tư phát triển hạ tầng” - ông Văn kiến nghị.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kinh doanh trên vỉa hè là một thực tế đã tồn tại từ lâu ở TP. Việc sử dụng vỉa hè mang về lợi ích cho rất nhiều hộ dân nghèo, đồng thời giải quyết được một phần nhu cầu gửi xe của người dân. Đây còn thể hiện được nét văn hóa qua sinh hoạt buôn bán, ăn uống. Chính vì thế, việc cấm triệt để kinh doanh trên vỉa hè không những tác động trực tiếp đến đời sống của dân nghèo, mà còn triệt tiêu đặc điểm của đời sống đô thị.

Tôi cho rằng nếu chưa có phương thức quản lý vỉa hè hiệu quả thì tạm thời TP vẫn cấm. Còn về lâu dài, cần tổ chức những con đường, khu vực cho phép người dân được buôn bán (có trật tự) trên vỉa hè. Điều này vừa giải quyết nhu cầu mưu sinh của người dân, vừa đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị, đồng thời có thể khai thác, bảo tồn văn hóa vỉa hè” - TS Hậu nhấn mạnh.

Có ảnh hưởng nhưng phải cấm

Việc chiếm dụng vỉa hè để giữ xe, bày bán hàng hóa không những ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan mà có tác động xấu đến giao thông. Lệnh cấm chắc chắn ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân nhưng đó là điều cần phải làm. Về lâu dài, chúng ta có thể hình thành những con đường, khu vực được phép duy trì “kinh tế vỉa hè”. Vấn đề là phải tổ chức như thế nào cho phù hợp để đừng phát sinh hệ lụy không tốt.

Ông ĐẬU AN PHÚC, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT

MINH PHONG - MINH HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.