Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam (VN) sẽ triển khai một số đề án tập trung vào thiết lập nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phục vụ thông qua trung tâm phục vụ hành chính công và dần thiết lập các đô thị thông minh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận VN vẫn là một trong số các nước có nguy cơ cao về mất an toàn, an ninh thông tin và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ xấu. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ VN rất quan tâm đến việc nâng cao khả năng phòng, chống tấn công mạng, lộ lọt thông tin cũng như phát huy tối đa năng lực của các doanh nghiệp VN trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là vấn đề khó nhất. Ở VN, bộ, ngành, địa phương nào cũng có trung tâm dữ liệu, các dữ liệu nằm phân tán, không phải dữ liệu tinh, chưa được chuẩn hóa, số liệu không được cập nhật.

Một thực tế được bộ trưởng nêu ra là VN hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa có mã định danh công dân; 63 tỉnh, thành phố hiện đều thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới chỉ khoanh ở phạm vi “biên giới của tỉnh”; các ngành như hải quan, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch đầu tư đều có cơ sở dữ liệu riêng nhưng chỉ kết nối được theo ngành dọc mà chưa kết nối ngang…

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, chỉ số phát triển chính phủ điện tử năm 2018 của VN xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chỉ số dịch vụ công xếp 59/193, chỉ số hạ tầng viễn thông 100/193, chỉ số nguồn nhân lực 120/193.

Mục tiêu của VN trong giai đoạn 2019-2025 là hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử; phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc tăng 10-15 bậc vào năm 2020, đưa VN vào nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm