BAO GIỜ SÀI GÒN HẾT NGẬP? - BÀI 2:

Ngập vì... số liệu lạc hậu!

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập), từ đầu năm đến nay có ba cơn mưa lớn xuất hiện tại TP đã gây ra 58 điểm ngập nằm trên diện rộng. Trong đó có một cơn mưa đạt vũ lượng trên 100 mm và hai cơn mưa có vũ lượng trên 90 mm.

Trong khi đó, vũ lượng mưa mà Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) đưa ra để thiết kế hệ thống cống chính là 85,36 mm. Cơ sở số liệu của JICA dựa vào thống kê cơn mưa có vũ lượng như vậy xuất hiện ba năm một lần. Thực tế, đỉnh triều những năm gần đây đã cao đến 1,56 m và mưa lớn trên 100 mm thường xuyên xuất hiện.

Dùng con số “thời quá khứ”

Thật ra TP từng xuất hiện những cơn mưa trên 160 mm. Ngày 28-7-1994, có một trận mưa lớn có vũ lượng đến 162,2 mm. Theo JICA, đây chỉ là những cơn mưa bất thường và chỉ xuất hiện năm năm một lần. Giữa tháng 10 đến giữa tháng 11-1996, TP cũng chịu nhiều trận ngập nghiêm trọng do mưa kết hợp đỉnh triều dâng cao. Mực nước của sông Vàm Cỏ, Sài Gòn và sông Đồng Nai khi đó cao nhất trong vòng 40 năm. Tuy nhiên, sau đó thì không có những vụ ngập nghiêm trọng do mưa, triều tương tự. Có phải vì vậy mà đã có suy nghĩ rằng các trận mưa như thế chỉ là hãn hữu, ảnh hưởng đến việc lựa chọn các thông số kỹ thuật trong các dự án thoát nước sau này?

Ngập vì... số liệu lạc hậu! ảnh 1

Mưa kết hợp với triều cường gây ngập đoạn đường Hai Bà Trưng-Phan đình Phùng. Ảnh: HTD

Ông Đặng Ngọc Hồi, Trưởng Phân ban, Ban Quản lý dự án cải tạo môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, nói: Tần suất mưa mà JICA tính toán là từ giai đoạn 1980-1990 trở về trước. Khi đó tình hình mưa không biến động nhiều về vũ lượng và số cơn mưa xuất hiện cũng ít hơn hiện nay. “Các thông số đã chọn để thiết kế các tuyến cống chính nay không còn phù hợp với thực tế của cả mưa và đỉnh triều cường. Nó chỉ đúng với kết quả và tình hình khảo sát lúc đó”. Ngoài ra, ông Hồi cũng cho rằng nếu chọn cống lớn để thi công thì TP có khá nhiều đường nhỏ, không có mặt bằng để thi công.

ThS Hồ Long Phi (ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng nhận định: Các số liệu JICA nghiên cứu trước đây giờ đã lạc hậu do các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra mưa lớn về vũ lượng và số lượng. Thêm nữa, việc đô thị hóa nhanh cũng góp phần làm tăng nhiệt so với 20 năm trước, gây ra mưa nhiều và tăng dần. “Thiết kế tiết diện cống trong bản quy hoạch như vậy là nhỏ nên không đủ sức thoát nước mỗi khi có mưa lớn xuất hiện”.

Tư vấn giám sát “quên” triều cường?

Phía CDM - đơn vị tư vấn giám sát dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cho biết: Các tính toán đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế kích cỡ đường cống thoát nước trong dự án là dựa vào tần suất mưa kết hợp đỉnh triều cường cao nhất từng xuất hiện. Trong đó, dự báo về mưa thì JICA dựa theo các số liệu của đài khí tượng thủy văn để đưa ra các hệ số an toàn khi thiết kế các tuyến cống chống ngập đến những năm 2020 và 2030.

Tuy nhiên, chuyên gia nói gì về giải thích của CDM? “Đúng là những số liệu tính từ thời Pháp thuộc đến năm 1995 cho thấy đỉnh triều không thay đổi. Nhưng từ năm 1995 đến 2008, đỉnh triều đã cao lên 25 cm. Hiện nay triều cường đã đạt đỉnh đến 1,56 m rồi chứ không còn 1,32 m như kết quả nghiên cứu của JICA nữa. Khi đưa ra số liệu, rất tiếc JICA chỉ chủ yếu tính trên vũ lượng mưa mà chưa lưu tâm nhiều đến triều cường. Đó là lý do dẫn tới các thông số mà JICA đưa ra đã bị phá sản!” - TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý, đánh giá.

Ngập vì... số liệu lạc hậu! ảnh 2

Lắp đặt cống chính để dẫn nước ra kênh trong dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: VĂN THUẬT

Trong phần thiết kế, CDM cho rằng khi mưa lớn xảy ra thì ắt có ngập trong một thời gian nhất định vì nước thoát không kịp. Dù có làm cống lớn gấp 10 lần các tuyến cống hiện nay thì vẫn ngập nếu mưa kết hợp cùng triều cường đạt đỉnh cao do nước không thể thoát hết một lần…

Như vậy, các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới việc chống ngập không đạt hiệu quả như mong muốn đã rõ. Các thiết kế tiết diện cống thiếu tính dự báo, mưa nhiều và mưa lớn do biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao xem như là chuyện “đành phải chấp nhận”.

Chuyện dĩ lỡ rồi thì phải làm gì? Ông Hồ Long Phi nói: “Cần phải nhìn nhận rằng hệ thống cống hiện nay có vai trò thay thế các cống cũ có tiết diện nhỏ. Nếu hệ thống cũ bị ngập mỗi năm 10 lần khi có mưa đạt vũ lượng 85 mm thì hệ thống cống mới hiện chỉ bị ngập một lần/năm. Nhưng số vụ ngập này sẽ tăng dần trong tương lai. Việc chính bây giờ cần là phải làm gì để phát huy năng lực chống ngập của hệ thống cống mới và có thêm các giải pháp kèm theo phù hợp để giảm thiểu chuyện ngập”.

Với các dự án chống ngập đã và đang triển khai như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm… thì TP vẫn phải triển khai tiếp chứ không thể bỏ ngang được. Thực tế thì các dự án này đã phát huy khá tốt công tác chống ngập so với trước tuy chưa thể chống ngập hoàn toàn.

ThSHỒ LONG PHI, ĐH Bách khoa TP.HCM

VĂN THUẬT

Đón xem số sau:

Bi hài chuyện nâng đường - nâng nền. Những câu chuyện cười ra nước mắt khi đường được nâng cao để chống ngập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm