Ngay trong tháng 1-2010, toàn bộ Hồ Gươm có thể được nạo vét

Đây là thông tin được ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết ngày 17-12. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đợt nạo vét thử nghiệm trên diện tích khoảng 1.000m2 vào cuối tháng 11-2009 đã cho kết quả  tốt. Kết quả quan trắc môi trường nước cũng như điều kiện hóa lý tại hai thời điểm trước và sau khi nạo vét hầu như không có sự thay đổi.

Ngay trong tháng 1-2010, toàn bộ Hồ Gươm có thể được nạo vét ảnh 1

Các chỉ số khí độc, nồng độ COD, BOD... đều đạt yêu cầu. Nếu tiến hành nạo vét tiếp,  mặt hồ sẽ được chia thành các ô nhỏ và tiến hành theo kiểu "xôi đỗ" chứ không phải cuốn chiếu để tránh xáo trộn đột ngột hệ sinh thái dưới lòng hồ. Quá trình hút toàn bộ bùn hồ vẫn phải tiến hành nhẹ nhàng, tỉ mỉ và cẩn trọng. Tuyệt đối phải đảm bảo giữ nguyên môi trường sinh thái trong hồ, không làm mất màu xanh nước hồ và không để “cụ rùa” bị ảnh hưởng.

Việc nạo vét thí điểm hút bùn lòng Hồ Gươm được tiến hành vừa qua thuộc dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm” do Phó Giáo sư Hà Đình Đức làm Chủ nhiệm. Dự án này được thực hiện trên cơ sở triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức, theo công nghệ hút bùn của CHLB Đức. Các thiết bị đều được đưa từ Đức sang, với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Đức.

Các chuyên gia đã xác định độ dày của tầng bùn, các thông số về cấu trúc, tính chất của tầng bùn, tầng đáy hồ, xác định các khu vực trong hồ... Trên cơ sở đó, chia diện tích hồ thành nhiều ô nhỏ để hút bùn nhằm không tạo sự thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật trong hồ. Máy hút bùn ngầm Sedturtle nhỏ được sử dụng ở dự án này có công suất hút 30 m3 hỗn hợp bùn + nước/giờ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Theo THANH TRÀ (website Bộ TN&MT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm