Nghệ thuật phải được đối xử công bằng

Buổi gặp gỡ nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đóng góp cũng như hiến kế xây dựng TP của các văn nghệ sĩ.

Mở đầu buổi gặp gỡ, ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch Các hội liên hiệp nghệ thuật TP, đã đề xuất với lãnh đạo TP quan tâm hơn đến các văn nghệ sĩ, trong đó có việc đặt tên đường cho họa sĩ Nguyễn Gia Trí; NSND Phùng Há; nhà văn Lê Văn Thảo; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp…

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, đại diện Hội Điện ảnh TP.HCM, khẳng định: “Còn hàng trăm ngàn chuyện về tổng tấn công Mậu Thân mà chưa ai biết đến. Sáng tác những tác phẩm về sự kiện này là món nợ lớn mà chúng tôi cần phải trả”. Cũng từ đó, hướng đến kỷ niệm 50 năm tổng tiến công Mậu Thân (1968-2018), Hội Điện ảnh TP kiến nghị mở cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về sự kiện này.

Bí thư Đinh La Thăng trò chuyện với NSND Trà Giang. Ảnh: Q.TRANG

Cùng đó, đại diện cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, NSƯT Lê Tứ cũng chia sẻ niềm vui mừng khi sắp tiếp nhận rạp Hưng Đạo, một rạp mới xây. “Tuy nhiên, khi tiếp nhận thầy trò chúng tôi lo lắng vì khán phòng không như ước muốn. Từ sân khấu đến sàn diễn không đủ rộng và cao để có thể dàn dựng được những vở quy mô hoành tráng, thu hút được người xem. Bởi cải lương thời nay nếu không có không gian lớn hơn cỡ Nhà hát Bến Thành trở lên thì rất khó dàn dựng những vở diễn quy mô ngang tầm sân khấu các chương trình truyền hình thực tế” - NSƯT Lê Tứ nhấn mạnh.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM, cũng gửi đến lãnh đạo TP hai đề xuất: TP cần có những giải thưởng uy tín để dựa vào đó thấy được nền văn học lớn mạnh của TP; điều cần nhất là một không khí văn nghệ cởi mở, dân chủ để người viết thấy mình được trân trọng, đóng góp của mình xứng đáng.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã thay mặt lãnh đạo TP có những kết luận. Ông Thăng nhấn mạnh: “Lãnh đạo TP sẽ cởi mở về tư duy lẫn cơ chế để các sản phẩm nghệ thuật được đối xử công bằng, 13 ý kiến của các văn nghệ sĩ nêu hôm nay chúng tôi sẽ ghi nhận và thực hiện trong năm 2017. Nhà hát cải lương TP sẽ có chủ trương cho xây dựng lại vì TP.HCM có thể yếu các loại hình nghệ thuật khác chứ không có cải lương thì không thể. TP cũng không thể thiếu các giải thưởng, đặc biệt giá trị giải thưởng phải nâng lên, một tác phẩm múa cả mấy chục người mà trao 50 triệu thì không thể... TP sẽ tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa nhiều hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm