Nghịch lý: Cào bằng bộ máy chính quyền các tỉnh, thành

Nhiều tỉnh dân số trên năm triệu dân, tự cân đối ngân sách nhưng bộ máy thì giống như tỉnh có quy mô dân số 300.000 dân.

Phân cấp kiểu... cào bằng

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng dự thảo luật nêu “phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết” là rất chung, đánh đố, dẫn đến nhiều cách hiểu, thực hiện khác nhau.

“Hiện cả nước chỉ có 14 tỉnh, TP đã thu, nộp và cân đối được ngân sách về trung ương. Có những tỉnh quy mô dân số trên năm triệu người nhưng cũng có tỉnh quy mô dân số chỉ 300.000 dân, thế nhưng bố trí bộ máy như nhau” - ĐB Lộc nói. Theo đó, ông cho rằng cần phân bổ cán bộ, công chức và cả bộ máy dựa vào quy mô dân số, điều kiện địa lý, việc thu, nộp và cân đối được ngân sách… để tạo động lực mạnh mẽ cho những nơi đã nỗ lực phấn đấu, đem lại hiệu quả và có chia sẻ với trung ương. “Tỉnh có quy mô 300.000 dân nhưng bộ máy bảo hiểm xã hội y như quy mô thành phố có chín triệu dân, như vậy có hợp lý hay không?” - ông nêu.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng đề nghị cần có nghiên cứu khoa học, sát thực… để xây dựng mô hình chính quyền địa phương hiệu quả cao hơn. Bà cho là hiến pháp nêu rõ việc tổ chức chính quyền địa phương phải phù hợp với mô hình đô thị, nông thôn, hải đảo… nhưng dự thảo chưa bắt kịp được tinh thần và nguyên tắc mà hiến pháp đưa ra. “Hiện cơ cấu tổ chức, bộ máy chính quyền, chức năng, nhiệm vụ cào bằng gần như nhau nên chưa tạo động lực cần thiết cho những địa phương có điều kiện phát triển” - bà nói.

Theo bà, mô hình tổ chức chính quyền không phải là đặc ân gì cho địa phương đó mà vấn đề là phù hợp cho từng địa phương đô thị, nông thôn, hải đảo… để tạo động lực cho địa phương phát triển.

Bộ, ngành vươn tay quá dài về địa phương...

Góp ý cho dự luật, ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho rằng vấn đề phân cấp và ủy quyền từ trung ương đến địa phương đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và chưa được khắc phục.

Theo ĐB Mai, các bộ, ngành trung ương dường như “vẫn đang cố vươn cánh tay rất dài” đến hoạt động của các địa phương, điều này dễ dẫn tới hạn chế tính chủ động trong điều hành của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương đã chủ động cân đối được ngân sách. Bà cho là việc này “không phù hợp” với quy định là “phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ giữa Chính phủ với các bộ, ngành và Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”…

Về việc làm rõ nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ chế kiểm soát quyền lực, ĐB Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng trong báo cáo tổng kết luật nói chức năng có chồng chéo, trùng giẫm nhưng đề xuất sửa đổi là mờ nhạt. “Nhiều vấn đề bức xúc tưởng chừng ở một bộ, ngành nào đó nhưng rất nhiêu khê, cuối cùng lên tới Thủ tướng mới giải quyết được. Rồi tình trạng đã phân công rồi mà xin ý kiến một việc nào đó rất tốn kém, phiền hà, mất thời gian. Tỉnh xin ý kiến bộ, bộ xin ý kiến các bộ khác. Rất phiền hà” - ông Lượng nói.

Theo ông, cần phải quy định rõ nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan chính quyền. Ví dụ việc xin ý kiến các bộ, ngành thì “thủ tục phải đơn giản, thời gian giải quyết phải nhanh” để tránh tình trạng “bộ này bảo các bộ khác chưa có ý kiến thì mình cũng chưa”. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế công khai, minh bạch, kiểm tra, rà soát những việc cấp trên giao để tránh tình trạng quyền lực bị lạm dụng, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, tài nguyên môi trường

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy