Người Hà Nội choáng với hóa đơn điện bất ngờ tăng gấp 3-4 lần

Chị Nguyễn Thị Thu (trú tại Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội) cho hay trong tháng 5, hóa đơn tiền điện nhà chị lên tới gần 3 triệu đồng. Tháng 4, số tiền điện sử dụng chỉ khoảng một triệu đồng. Theo chị, vật dụng tiêu tốn điện năng chủ yếu là chiếc điều hòa - thiết bị được hẹn giờ từ 20h đến 6h sáng. “Điện thắp sáng sử dụng rất ít vì tôi đi làm cả ngày đến chiều muộn mới về. Con cái lại đi lớp cuối giờ chiều mới phải đi đón”, chị Thu cho hay.

Theo chị Thu, việc hóa đơn tiền điện tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái là điều bất ngờ. “Cứ cho rằng, tháng 5 thời tiết nắng nóng, điều hòa sử dụng nhiều hơn thì cũng không thể tăng nhiều như vậy”, chị Thu thắc mắc. Định chần chừ không đóng nhưng lại sợ bị cắt điện, chị đành bấm bụng nộp tiền cho xong.

tien-dien-1909-1404095108.jpg

EVN Hà Nội cho biết sản lượng điện nhiều nơi tăng 40-60%.

Chị Hồ Thị Thanh (cư trú tại Mai Dịch, Hà Nội) cho hay, đầu mùa hè, tiền điện nhà chị chỉ khoảng 350.000 đến 370.000 đồng, riêng tháng 5 lại lên tới 1,2 triệu đồng. Nhà chị sử dụng 2 điều hòa 9.000 BTU và 18.000 BTU thay phiên nhau. “Nhà có con nhỏ, tôi cũng không dám sử dụng điều hòa thường xuyên do sợ ảnh hưởng đến đường hô hấp. Vậy mà hóa đơn vẫn tăng gấp 3,5 lần”, chị ngạc nhiên.

Sau khi phải nộp tiền điện tăng vọt so với tháng trước, chị Nguyễn Thị Hoàng đăng tải thông tin lên facebook. Status của chị được nhiều người chia sẻ. Số đông bạn bè cho hay, hóa đơn tiền điện trong tháng 5 đều tăng hàng triệu đồng so với tháng trước. Thậm chí có trường hợp lên tới 6 triệu đồng.

Chị Phương (Vĩnh Tuy) cho hay hóa đơn nhà chị tăng gấp đôi dù sử dụng không thay đổi. Chị đi làm cả ngày không dùng điện, còn điều hòa luôn để trong chế độ hẹn giờ từ 10h tối cho đến 2h sáng là tự tắt.

Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện dân dụng cho hay, hiện tượng điện tăng vọt có thể do 3 nguyên nhân chính. Thiết bị sinh hoạt tiêu tốn nhiều điện năng, người sử dụng không tiết kiệm hoặc do dữ liệu không chính xác từ phía nhà đèn. Anh phân tích, thông thường, một chiếc điều hòa 9.000 BTU, mỗi giờ chạy hết công suất tiêu tốn khoảng 0,9 đến 1 số điện mỗi giờ. Như vậy nếu chạy khoảng 10 tiếng mỗi ngày, với đơn giá 1.508,85 đồng/kWh , thì mỗi tháng riêng tiền điều hòa mất khoảng hơn 450.000 đồng. Với điều hòa 12.000 BTU, số tiền khoảng gần 600.000 đồng.

“Tuy nhiên, trong trường hợp, điều hòa bật tắt liên tục, sử dụng lâu ngày, điện năng tiêu hao sẽ nhiều hơn”, anh giải thích

Ngoài ra, theo anh, cũng có khả năng do nhiều người đi làm cả ngày, nhân viên thu tiền điện thường đến buổi tối nên nhà đèn không chốt được số công tơ điện sử dụng với khách hàng, dẫn tới có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này, theo anh, có thể không chính xác về đơn giá cũng như khối lượng sử dụng. Giá điện tính lũy tiến, do đó không loại trừ khả năng một phần điện năng sử dụng trong tháng này được trích bớt bổ sung sang tháng sau để số tiền điện tăng lên khi vượt định mức. “Để tránh nhầm lẫn, khách hàng nên hẹn cơ quan điện lực vào một ngày nhất định để kiểm tra kỹ lưỡng điện sử dụng”, anh nói.

Theo bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó chánh Văn phòng Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng diện tăng là những ngày tháng 5 đến  đầu tháng 6, Hà Nội đã có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm, trong đó điều hòa khách hàng sử dụng lên tới trên 10h mỗi ngày. 

“Chu kỳ làm hoá đơn tiền điện từ 5 – 25/5 đến 5– 25/6 là thời điểm bao gồm cả 3 đợt nắng nóng cao điểm do vậy hoá đơn tiền điện ở thời gian này càng hội tụ các yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao”, bà Hoàng Anh cho hay.

Theo EVN Hà Nội, nhiều khu vực sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng của tháng 6/2014 tăng từ 40% đến trên 60% so với tháng 5/2014. Đơn cử như ở Quận Hoàng Mai mức tăng sản lượng điện sinh hoạt tháng 6 so với tháng 5 là 57%;  Quận Đống Đa là 55%. 

EVN Hà Nội khẳng định, sau khi có thông tin hóa đơn tiền điện của một số khách hàng tăng đột biến, EVN Hà Nội đã rà soát lại và kiểm tra thấy công tơ hoạt động bình thường, có trường hợp sai số trong ngưỡng cho phép, khách hàng đã kiểm tra lại điện năng và không còn thắc mắc.

Theo bà Hoàng Anh, trong quá trình vận hành cung cấp điện nếu có sự cố sai sót kỹ thuật, nghiệp vụ dẫn đến sai lệch về hoá đơn (sản lượng, tiền điện) khách hàng có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ. Các Công ty Điện lực sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. “Nếu có sai sót sẽ tiến hành lập lại hoá đơn đúng cho khách hàng, nếu sai do chất lượng công tơ thì sau khi kiểm định lại công tơ sẽ thực hiện truy thu hay thoái hoàn sản lượng, tiền điện cho khách hàng”, bà Hoàng Anh khẳng định.

Theo Hoàng Lan (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.