Người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất tại Đà Nẵng

Đoàn công tác liên ngành này làm việc với nhiều tỉnh, thành để lấy ý kiến về những hạn chế trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật khác liên quan để trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Văn Sơn (Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng), cho biết thời gian qua nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã vận dụng kẽ hở tại Nghị định 139/2007, Nghị định 88/2006 và Quyết định 88/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại TP Đà Nẵng.

Người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất tại Đà Nẵng ảnh 1
Ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Theo đó, việc tận dụng các kẽ hở này đặc biệt được các NĐT đến từ Trung Quốc tận dụng để được sở hữu đất tại TP Đà Nẵng theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Để “lấp” kẽ hở trên, ông Trần Văn Sơn kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị Quốc hội bổ sung Luật Đầu tư. Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của NĐT nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất thì cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản NĐT nước ngoài…  

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng Trần Văn Sơn cũng cho hay thời gian qua việc chuyển nhượng các dự án FDI diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, TP lại không thu được một đồng thuế nào từ các thương vụ này. 

Dẫn chứng, ông Sơn nói vừa rồi tại TP Đà Nẵng diễn ra một thương vụ chuyển nhượng khổng lồ lên tới 1.000 tỉ đồng nhưng TP không được một xu. Cụ thể, Resort Hyatt (quận Ngũ Hành Sơn) có công ty mẹ ở nước ngoài. Công ty mẹ ở nước ngoài đã chuyển nhượng sở hữu, chuyển đổi cổ đông cho một đơn vị khác nhưng Resort Hyatt vẫn giữ nguyên pháp nhân.

“Một tổ hợp khách sạn khổng lồ như vậy nhưng khi họ chuyển nhượng thì mình không thu được một đồng thuế nào” - ông Sơn nói.

Siết chặt quá, nhiều nơi thở không nổi

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho hay thời gian qua Chính phủ có ban hành nhiều thể chế pháp luật, thi hành Luật Đầu tư công… nhưng thực hiện thấy còn nhiều bất cập. Vì vậy đoàn công tác đến các địa phương để lắng nghe kiến nghị tháo dỡ các bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng luật để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi.

“Ngày xưa thì Luật Đầu tư công buông lỏng nhưng giờ siết chặt quá, nhiều địa phương thở không nổi” - ông Thu nói.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm