Nhà cho hộ nghèo: Xô là ngã

Công trình khu dân cư ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) dành cho người dân tộc nghèo đã xây xong khoảng 40 căn nhưng đến nay không mấy người dám vào ở vì sợ sập. Chất lượng những căn nhà quá tệ, có thể dùng tay đẩy sập.

Xây nhà bằng gạch thúi

Nhiều căn nhà ở đây đang bỏ trống, gạch rơi rụng lổn ngổn dưới nền. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua là vách nhà run lắc. “Mấy anh có muốn em đẩy căn nhà sập xuống không? Hàng chục căn nhà ở đây đều được cất như vậy” - một đứa trẻ ở đây nói.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn kể: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, chính quyền cho bốc thăm nhận nền. Sau đó họ cho xây lên căn nhà và bàn giao cho gia đình. Vợ chồng tôi nghèo, đi làm thuê kiếm sống nên được Nhà nước cho nhà ở tôi rất mừng. Tuy nhiên, khi nhận nhà thì không dám vào ở vì chẳng biết nó sập đè chết mình lúc nào. Nhà gì mà hai vách tường lủng lổ chổ, nắng xuyên thấu vào bên trong. Vách tường lỏng lẻo đến độ không dám mở cửa mạnh vì… sợ sập”.

Cũng có hộ dân bức bối chỗ ở vào ở đại nhưng phải bỏ đi vì sợ. Chẳng hạn, ba mẹ con bà Nèang Tép ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn vào ở chưa được chục ngày đã phải “bỏ của chạy lấy người” vì tự nhiên vách tường bị nghiêng! Còn chị Nèang Chanh Tha (con bà Tép, đã có gia đình riêng) cũng phải quay về nơi ở đậu vì sợ nhà sập. “Gia đình tôi có sáu người con, ba đứa có gia đình đều là hộ nghèo. Vào căn nhà trên khu dân cư đó thấy không có cửa sau mà gạch thì chảy, vách nhà lung lay nên quay về nơi ở đậu cho chắc” - bà Tép nói.

Theo quan sát của chúng tôi, vách tường các căn nhà ở đây được xây bằng hồ vữa tạm bợ, “đà thép” giữ các vách tường với cột là vài sợi dây kẽm to bằng cây tăm nhang. “Em từng làm thợ hồ nên biết. Tính từ dưới nền lên khoảng năm cục gạch, nhà thầu cho xuyên vào đó một cọng dây kẽm. Cứ vậy mà xây lên tới nóc, dây kẽm chẳng ăn dính vào đâu. Các vách tường giáp mối với cột cũng được câu bằng dây kẽm đó. Còn gạch trên tường nhà, dùng tay lấy ra lúc nào cũng được. Gạch xây tường mà tự dưng nát nhừ, chảy xuống đất thì ai dám vào ở” - một người dân ở đây nói.

Nhà cho hộ nghèo: Xô là ngã ảnh 1

Bà Nga nhặt đống gạch vụn của vách nhà bị đổ sập. Ảnh: VS

Nhà cho hộ nghèo: Xô là ngã ảnh 2

Gạch xây nhà tự tan chảy. Ảnh: VS

May mắn thoát chết

Dù chất lượng nhà quá tệ nhưng cũng có gia đình đánh liều vào ở và họ rất may mắn khi… thoát chết vì tường sập!

“Trưa 21-2, năm đứa con và cháu của tui đang ngồi ăn cơm thì vách tường đổ ập xuống. Nhờ đứa cháu thấy la lên nên mấy đứa bỏ chạy mới thoát chết. Một đứa chạy không kịp nên bị gạch rơi trúng đầu, trúng lưng. Rất may là chúng nó chạy kịp chứ không thì hậu quả khó lường. Sau đó, tôi điện thoại báo Công an xã Núi Tô và ban nhân dân khóm 5 (thị trấn Tri Tôn) chuyện nhà sập. Họ đến và có người nói “xây hồ non, không sập mới lạ”. Sau đó họ đi luôn không quay trở lại. Gia đình tôi đi ở đậu, chủ đất không cho ở nữa nên buộc lòng mới vào đây nhưng rất sợ nhà sập. Ban đêm tôi cho con ra cái chòi phía sau nhà để ngủ” - bà Nguyễn Thị Nga, hộ dân duy nhất vào ở trên khu dân cư ấp Tô Hạ, kể.

Bà Mai Xuân Đến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn, cho biết công trình khu dân cư ấp Tô Hạ do Nhà nước cấp nền rồi vận dụng chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cất nhà cho họ, trị giá 20 triệu đồng/căn. Trên khu dân cư này có khoảng 62 nền và đã cất được khoảng 40 căn nhà. Ban đầu chính quyền định cất nhà dạng vách tôn, nền gạch nhưng sau đó người dân và nhà thầu tự thỏa thuận xây tường nên xảy ra tình trạng nhà kém chất lượng. “Lúc đó nhà thầu mua gạch bị vôi hóa và căn nhà giá chỉ 20 triệu đồng nên không đảm bảo chất lượng. Từ khi xây xong đến nay đã 16 tháng nên nhà thầu không còn bảo hành nữa. Chúng tôi tính dùng tiền vận động từ nhiều nguồn để khắc phục. Căn nhà nào sửa được thì sửa, quá tệ thì đập bỏ” - bà Đến nói.

Về tình trạng có nhà mà người dân không dám ở, ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, nói: “Tôi mới được chính quyền thị trấn báo cáo sự việc và sẽ cho người đi kiểm tra. Sau đó sẽ cho thanh tra làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý”.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm