Nhận gần 1triệu m3 bùn,cát: Hãy cân nhắc khi chưa muộn!

“Với tư cách một nhà khoa học nghiên cứu về biển, tôi kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT cần dừng việc cho phép Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 900.000 m3 bùn, cát thải xuống vùng biển Vĩnh Tân, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Về khoa học, việc cho phép nhận chìm này có một số vấn đề chưa được làm rõ, nhất là chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể mức độ tác động, làm hại đối với vùng biển nước trồi có tầm quan trọng bậc nhất Việt Nam”. TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngày 14-7.

. Phóng viên: Tiến sĩ thấy thế nào việc Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 cát, bùn thải xuống biển khi chưa thực nghiệm để đánh giá các mức tác động thực tế đến môi trường?

+ TS Nguyễn Tác An: Giấy phép là công cụ quản lý nhà nước nên phải làm hết sức thận trọng và phải đảm bảo sự thỏa đáng, nếu không từ đó sẽ dẫn đến sự làm hại cho môi trường cũng như sự phát triển.

Một điều rất quan trọng là phải khảo sát kỹ lưỡng ý kiến của người dân, cộng đồng ở địa phương, bởi người dân ở đó phải gánh chịu mọi hệ quả nếu có từ việc này.

. Theo Bộ TN&MT, nếu xảy ra thiệt hại, chủ đầu tư sẽ bồi thường cho người dân ở đây?

+ Tiền có giải quyết được hết hậu quả môi trường đâu! Phương pháp nhận chìm trong giấy phép cũng thật chưa ổn. Bộ TN&MT cho dùng xà lan phễu xả thẳng bùn, cát xuống biển cần phải tính toán thận trọng.

. Tiến sĩ nhận định thế nào về giải pháp dùng màn ngăn của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1?

+ Giải pháp đó không phù hợp. Theo tôi, để đảm bảo an toàn cho môi trường, nếu đã cho phép nhận chìm là phải đóng gói chất thải thành các khối bê tông, đưa vô các hộp nặng rồi thả xuống dưới biển. Khi đó, chất thải không thể trồi lên được, cũng không bị phát tán.

Còn ở đây các ông ấy dùng màn ngăn như lưới bao lại hơn 900.000 m3 bùn thải trong diện tích lớn như vậy và đặc biệt cho đổ từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm có động lực rất lớn ở vùng nước trồi Bình Thuận thì rõ ràng là không có tác dụng gì!

Ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Vĩnh Tân. Ảnh: Hữu Tuấn

Làm theo phương pháp trên, tôi thấy rất khó giữ, lắng khối bùn, cát đổ xuống. Nhất là khi gặp mùa động lực mạnh, chất thải đổ xuống bị xới tung lên hết, cuốn trôi đi khắp nơi. Đây sẽ là nguồn ô nhiễm thứ cấp, ô nhiễm về động học, vật lý, làm ra chất lơ lửng, giảm độ trong suốt, giảm ánh sáng của môi trường biển, làm cho quá trình sản xuất sơ cấp không thực hiện được.

Về khoa học, có thể mỗi người hiểu một cách do trình độ, do cái tâm của người ta, do nhận thức… Nhưng điều quan trọng nhất là phải có giải pháp hữu hiệu.

. Theo tiến sĩ, trước dư luận nhiều chiều như hiện nay, Bộ TN&MT cần phải thế nào?

+ Tôi thấy đại biểu Nguyễn Toàn Thiện phát biểu trong kỳ họp mới đây của HĐND tỉnh Bình Thuận rất chính xác. Bảo vệ, kiểm soát môi trường mà để đến khi thấy, đo đạc được ô nhiễm thì nó đã bị hỏng, đã gây ra hậu quả rồi.

Trong bảo vệ môi trường, nguyên tắc quan trọng nhất là phòng ngừa. Cũng như con người vậy, để tránh những bệnh ung thư chết người, quan trọng nhất là phải phòng bệnh. Môi trường nó còn quan trọng hơn nữa, phòng ngừa mới là giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường.

Trong việc cho đổ thải này, nguy cơ xảy ra hậu quả ai cũng thấy rõ ràng rồi. Do đó, phải dừng ngay lại để tính toán chặt chẽ hơn khi chưa muộn!

Cần phải thực nghiệm

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam của Bộ TN&MT, thuyết trình trước HĐND tỉnh Bình Thuận có nói rằng việc nhận chìm có thể kiểm soát được, tác động đến Hòn Cau là không đáng kể. 

Thứ nhất, các ông ấy thừa nhận chỉ mới có thể kiểm soát thôi chứ không phải hoàn toàn kiểm soát.

Thứ hai, là cũng thừa nhận có tác động dù không đáng kể chứ không phải nói không có tác động gì.

Cứ tạm tin lời các ông Bộ TN&MT nói là tác động yếu, không đáng kể. Thế tác động yếu là tác động như thế nào? Các ông ấy nói tác động nhỏ nhưng nhỏ bằng con kiến hay bằng con voi? Trên thực tế, Bộ TN&MT chưa làm thực nghiệm thì cơ sở dữ liệu đâu mà biết tác động lớn hay nhỏ?

Tôi nghĩ dù tác động nhỏ như các ông đó nói thì cũng phải ngăn chặn. Vậy Bộ TN&MT đã có giải pháp ngăn chặn chưa? Nếu chưa có giải pháp thì phải dừng ngay hoạt động này lại. Những vấn đề gì còn chưa yên tâm, chưa đánh giá hết sự tác động đến môi trường thì phải dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, tính toán, đánh giá lại.

Còn khi chưa có giải pháp thực tiễn, hữu hiệu nhưng các nhà quản lý vẫn cho tiến hành là vi phạm nguyên tắc cẩn trọng trong bảo vệ môi trường.

Với khối lượng hơn 900.000 m3 cát, bùn thải đổ xuống vùng biển 30 ha, cách trung tâm đa dạng Hòn Cau chỉ 8 km, trong thời gian ba tháng, gây ra tác động liên tục như vậy mà nói tác động nhỏ thì phải chứng minh.

TS Nguyễn Tác An

Ý KIẾN

Hiệp hội Tôm Bình Thuận: Cần tham khảo ý kiến chúng tôi

Nhận gần 1triệu m3 bùn,cát: Hãy cân nhắc khi chưa muộn! ảnh 2

Mới đây, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp hội viên thảo luận kỹ về khả năng sẽ bị ảnh hưởng khi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm xuống biển Vĩnh Tân gần 1 triệu m3 bùn, cát thu được sau nạo vét.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, hiệp hội đã lấy biểu quyết và hiệp hội đã có văn bản kiến nghị ba vấn đề khi dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực 1 thực hiện trên biển. Cụ thể, trước khi thực hiện phải có quan trắc môi trường; khi triển khai kế hoạch giám sát phải có chương trình bồi thường, thống nhất các tiêu chí bồi thường; sau khi xảy ra sự cố chủ đầu tư phải cam kết là người trực tiếp bồi thường. Ngoài ra, nếu để xảy ra sự cố về môi trường biển thì ngoài việc bồi thường còn phải quan tâm đến người dân sống trong vùng dự án.

Theo ông Anh, đánh giá tác động vùng nuôi tôm của dự án nhận chìm chỉ cho rằng chất lơ lửng do quá trình nạo vét làm ảnh hưởng đến vùng nước nuôi. Từ đó các nhà đánh giá đưa ra phương án hỗ trợ các hộ nuôi, sản xuất tôm giống màng lọc để lọc chất lơ lửng khi lấy nước vào. Điều này là hoàn toàn không ổn. “Nước biển để dùng nuôi tôm chúng tôi đều đưa tàu chuyên dụng đi lấy nước theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt và được kiểm tra kỹ càng” - ông Anh nói.

Theo ông Anh, ngoài những yếu tố có độc tố thì các vi sinh khác trong nguồn nước cũng phải được tính toán nghiêm túc, khoa học và phải tham khảo ý kiến của Hiệp hội Tôm. Ông Anh cho biết trong khi còn nhiều lo ngại về việc đổ 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển chưa có lời đáp thì thông tin dự án khác xin đổ 2,4 triệu m3 bùn, cát nữa xuống vùng biển này khiến vùng nuôi tôm chất lượng nhất Việt Nam (cung cấp hơn 25% sản lượng cho cả nước) rúng động.

“Hiệp hội Tôm Bình Thuận một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND tỉnh Bình Thuận phải thận trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của Bộ NN&PTNT trong chiến lược 10 tỉ USD giá trị xuất khẩu tôm mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động” - ông Anh cho biết.

Phải công khai số liệu dự án

Nhận gần 1triệu m3 bùn,cát: Hãy cân nhắc khi chưa muộn! ảnh 3

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Huy (ảnh), Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận, cho biết Hội Nghề cá Bình Thuận rất lo ngại khi dự án nhận chìm được cấp phép trên vùng biển Bình Thuận. Hội nghề cá cần lưu ý các cơ quan có trách nhiệm phải xem xét bởi thảm san hô ở Khu bảo tồn biển Hòn Cau rất quý giá và đặc tính của san hô chỉ cần bị ô nhiễm, bị phủ một lớp bùn cát, thậm chí bị phủ bụi cũng đã bị ảnh hưởng dẫn đến chết. Việc nhận chìm nếu không đúng như tính toán, vật chất nhận chìm tràn ngược vào các bãi san hô xung quanh thì sẽ rất nguy hại cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

“Chúng tôi cho rằng phải thực hiện nghiêm túc việc quan trắc và phải bổ sung thêm các điểm quan trắc mới cho tính khảo sát được chắc chắn hơn. Đặc biệt là việc đánh giá sinh cảnh của vùng biển này, theo giấy phép thì chỉ thực hiện có hai lần (một lần trước nhận chìm và một lần sau khi nhận chìm xong ba tháng). Việc này không thể nào đủ để có biện pháp dừng nếu như có sự cố. Đây là việc đánh giá sinh cảnh của hệ sinh thái biển, cho nên ngoài quan trắc cần phải thực hiện để xem khi nhận chìm sinh vật biển có ảnh hưởng hay không” - ông Huy nói.

Hội Nghề cá Bình Thuận cũng đề nghị phải công bố rộng rãi các thông số liên quan đến dự án này để các nhà khoa học có ý kiến trong việc xử lý và đưa ra các giải pháp an toàn hơn. “Theo quan điểm của chúng tôi, tại sao lại không bọc vật chất sau nạo vét vào các túi đựng để không phát tán ra bên ngoài rồi mới nhận chìm? Tùy theo chất lượng túi đựng mà năm hay 10 năm sau các túi mới vỡ ra, lúc đó vật chất nhận chìm đã được bão hòa và đã bị san hô cùng các thực vật khác bao lại. Đó là đề cập vật chất nạo vét và nhận chìm đó không có độc tố” - ông Huy kiến nghị.

PHƯƠNG NAM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm