Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp: Bị cáo kháng cáo kêu oan

Sáng nay 11-9, Trần Văn Uống (một trong hai bị cáo của vụ cướp tài sản trong vụ án Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp (trước đó Pháp Luật TP.HCM cũng đã có nhiều bài chỉ ra những khiên cưỡng trong việc buộc tội) đã đến TAND TP.HCM để nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Theo đó, thứ Bảy ngày 20-9, TAND TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của Trần Văn Uống. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án là Phó Chánh tòa Hình sự Huỳnh Anh Kiệt. Cả VKSND huyện Bình Chánh và VKSND TP.HCM đều không có kháng nghị về vụ này.

Trần Văn Uống và cha tại tòa sáng nay. 

Theo cáo trạng vụ án, Uống và Khưu Khánh Sỹ (cùng ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bị cáo buộc đêm 5-12-2012 cùng hai người nữa bàn nhau ra đường chặn cướp xe. Thấy anh Phan Thanh Quyền chở bạn gái đến gần, cả nhóm đuổi theo và ném cây về phía xe nhưng anh Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin. Công an truy đuổi thì bắt được Sỹ và Uống tại khu vực cách chỗ vừa đứng không xa. Riêng phương tiện gây án thì không thu được.

Khi ra tòa, Uống và Sỹ được cách ly và khai rất thống nhất, rằng đêm đó họ tổ chức nhậu trong xưởng, xong thì Uống và hai người kia ra ngoài hóng mát. Đến giờ ra lò làm việc, Sỹ ra gọi thì đúng lúc này có đám đông người lao đến hô vang: “Bắt nó, bắt nó” nên cả hai buộc phải chạy đi. Sau khi bị bắt, do bị đánh đau quá (Sỹ còn bị treo lên để đánh) nên họ buộc phải ký tên vào bản ghi lời khai có sẵn và viết bản tự khai nhận tội theo ý cán bộ. 

Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp: Bị cáo kháng cáo kêu oan ảnh 2
 

Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần chỉ ra những dấu hiệu của một vụ cướp tưởng tượng. Điều cốt yếu nhất là cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh chưa chứng minh được hai bị cáo có thực hiện hành vi khách quan là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp xe - yếu tố quan trọng cấu thành tội cướp nhưng vẫn buộc tội đến cùng với mức án 1 năm, 7 tháng, 9 ngày tù (bằng thời gian tạm giam và thả tự do ngay tại tòa).

Trong đơn kháng cáo kêu oan, Uống trình bày: “Sở dĩ tôi viết bản nhận tội và viết bản tự khai là do bị Công an xã Lê Minh Xuân đánh đập cả đêm và gần cả ngày hôm sau nên phải nhận tội để bảo toàn mạng sống. Tôi bị oan vì thực sự tôi không cướp bóc gì cả”.

Qua điện thoại, trả lời Pháp Luật TP.HCM về lý do không kháng cáo, Sỹ khẳng định: “Tôi bị oan. Tuy nhiên, tôi không kháng cáo vì tôi không có tiền tới lui Sài Gòn nữa. Tôi mới xa quê vào làm thuê cho cơ sở sản xuất thức ăn gia súc khoảng ba tháng thì xảy ra chuyện. Từ đó tiền thì không kiếm được mà còn thành gánh nặng cho gia đình. Tôi phải đi mần kiếm tiền trả nợ mà gia đình đã vay mượn để lo cho tôi khi tôi bị bắt giam. Hơn nữa, tôi còn phải cùng vợ nuôi dưỡng và chăm sóc hai đứa con. Chúng đã quá thiệt thòi vì phải xa cha từ khi mới chào đời”.

Theo quy định, người nào kháng cáo và có liên quan đến kháng cáo thì sẽ được triệu tập đến tòa phúc thẩm. Tuy luật không bắt buộc, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, nếu tòa xét thấy cần thiết thì có thể triệu tập thêm người khác. Như vậy, dù Sỹ không kháng cáo nhưng nếu việc có mặt Sỹ giúp làm rõ các tình tiết vụ án thì Sỹ vẫn sẽ được mời đến tòa. Tòa chỉ xem xét yêu cầu của Uống vì Uống là người kháng cáo. Tuy nhiên, tòa cũng sẽ xem xét toàn diện vụ án, trong trường hợp nếu tòa tuyên Uống vô tội thì đây là trường hợp có lợi cho Sỹ và sẽ tuyên Sỹ vô tội luôn dù án đã có hiệu lực đối với Sỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm