Nhiều “điểm sáng” ở cầu Sài Gòn 2

Từ 16 giờ ngày 15-10, cầu Sài Gòn 2 chính thức đón dòng xe đầu tiên từ đường Điện Biên Phủ băng ngang sông Sài Gòn rồi đổ vào xa lộ Hà Nội để đi các quận 2, 9. Cùng lúc, cầu Sài Gòn hiện hữu được điều chỉnh thành một chiều cho dòng xe từ quận 2, Thủ Đức vào trung tâm TP. Tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ phía đông từ nay phần nào được giải quyết.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án ách tắc, chậm trễ thì dự án cầu Sài Gòn 2 trở thành một “điểm sáng” bởi đã vượt tiến độ tới sáu tháng, qua đó giúp TP tiết kiệm gần 50 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng. “Cũng nhờ vượt tiến độ nên tổng mức đầu tư của dự án chỉ còn 1.300 tỉ đồng, giảm 200 tỉ đồng so với dự toán” - ông Dương Quang Châu, Giám đốc dự án (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM - CII), thông tin thêm.

Nhiều “điểm sáng” ở cầu Sài Gòn 2 ảnh 1

Cầu Sài Gòn 2 (bên phải) trước ngày thông xe. Ảnh: MP

Giải những “đề toán” khó

Về kiến trúc, một trong những yêu cầu quan trọng được TP đặt ra là cầu Sài Gòn 2 phải lưu giữ những nét đặc trưng cổ xưa của cầu Sài Gòn hiện hữu, được xây dựng từ năm 1958. “Cầu cũ có ba nhịp chính là dầm thép và thân trụ dạng cột nên mức chịu tải thấp (tải trọng H20, tương đương xe đơn 25 tấn). Do vậy, trong thiết kế cầu mới chúng tôi phải giữ lại thân trụ dạng cột (hiện ít dùng - NV) nhưng đan thêm cốt thép, bê tông cường độ cao. Nhờ đó cầu mới vẫn có dáng thanh mảnh giống “đàn anh” nhưng có tải trọng lớn hơn và chịu được động đất cấp 7” - ông Châu nói.

Quá trình thi công cây cầu cũng gặp nhiều trở ngại. Cầu Sài Gòn 2 có 29 trụ với độ sâu thấp nhất là -53 m. Sâu nhất là hai trụ chính T15, T16 có độ sâu -79 m và chỉ riêng hai bệ trụ này đã dùng đến 5.500 tấn thép. Độ sâu cọc lớn đòi hỏi sự ổn định của vách khoan nhồi cao. Trong khi đó, khu vực thi công thường xuyên có tàu thuyền qua lại, tạo sóng làm các sà lan chứa cần khoan chao nghiêng, ảnh hưởng đến chất lượng cọc khoan nhồi.

“Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi phải thuê đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải để điều tiết tàu chạy qua khu vực thi công với tốc độ tối ưu. Cẩn thận hơn, khi có tàu qua chúng tôi quyết định ngưng thi công và rút ống khoan lên dù biết điều đó sẽ làm tiến độ khoan cọc nhồi bị chậm” - ông Châu phân tích.

Chạy đua tiến độ

Trong điều kiện khó khăn như trên, ông Châu cho biết nếu chỉ tập trung thi công các nhịp chính rồi mới chuyển sang các hạng mục khác thì tiến độ sẽ chậm. Do vậy, CII đề nghị liên danh nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị và nhân công cùng lúc thi công cả ở dưới nước và trên bờ. Có lúc tại công trình có 22 cầu cẩu, 12 giàn cọc khoan nhồi và trên 10 sà lan lớn.

Ngoài việc tập trung thi công với cường độ cao, một yếu tố quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ là các đơn vị thực hiện đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước đó, liên danh đấu thầu gồm chủ đầu tư (CII), tư vấn thiết kế (Công ty TNHH B.R) cùng ba đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty Cổ phần 565 đã tự bỏ kinh phí để khảo sát địa chất, địa hình, từ đó đưa ra phương án thiết kế, thi công hiệu quả nhất.

“Chúng tôi chấp nhận rủi ro nếu không trúng thầu sẽ mất hết toàn bộ công sức, chi phí đã bỏ ra. Nhưng cũng chính sự chuẩn bị kỹ càng đó giúp chúng tôi có niềm tin thắng thầu rất lớn” - đại diện một đơn vị thi công trong liên danh cho biết. Còn theo ông Châu, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên liên danh đã đưa ra một mức giá thấp nhất (thấp hơn một đơn vị khác khoảng 1.000 tỉ đồng - NV) cùng thời gian thi công nhanh nhất.

“Chúng tôi đề nghị thực hiện dự án trong vòng 21 tháng, trong khi các đơn vị khác cần trên 25 tháng. Rút cuộc, cầu Sài Gòn 2 được hoàn thành chỉ trong 18 tháng, trong khi “đề bài” mà UBND TP đưa ra ban đầu là 24 tháng” - ông Châu hồ hởi.

Vài nét về cầu Sài Gòn 2

Cầu Sài Gòn 2 nằm cách cầu Sài Gòn hiện hữu 3 m về phía bên phải theo hướng từ Bình Thạnh đi quận 2. Cầu rộng 23,5 m, chia làm bốn làn xe ô tô và một làn xe máy. Cầu có năm nhịp chính ở giữa (dài gần 370 m) đúc hẫng theo phương pháp căng cáp dự ứng lực. Ở hai bờ Bình Thạnh và quận 2 có thêm 25 nhịp (mỗi nhịp dài gần 25 m).

Cầu Sài Gòn 2 có tuổi thọ thiết kế là 100 năm với vận tốc 80 km/giờ, chịu được động đất cấp 7 (thang MSK-64), hoạt tải HL-93. Khoang thông thuyền của cầu rộng 80 m, chiều cao 9 m (tính từ mực triều cường cao nhất). Ở phía hai đầu cầu có tĩnh không là 4,5 m và 4,75 m.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm