Nghịch lý: Bắt cướp giật nhưng phải thả - Bài 1

Nhiều người bị cướp giật không chịu trình báo

LTS: Có một nghịch lý đang tồn tại là nhiều trường hợp trinh sát, người dân truy bắt được kẻ cướp giật nhưng sau khi đưa về trụ sở phải thả ra.

Điều này gây nhiều hệ lụy: Tội phạm cướp giật ngày càng manh động và ngay cả lực lượng truy bắt tội phạm cũng… nản. Do đâu có thực trạng này?

Nhiều người từng đặt câu hỏi: “Chúng tôi thấy nó cướp giật và người dân, công an mạo hiểm bắt giữ nhưng sau đó không hiểu sao kẻ cướp giật lại được thả ra?”.

Thực tế có trường hợp người dân đưa kẻ cướp giật về phường với thân hình bầm dập và báo “Đây là kẻ cướp giật”. Công an sau khi tiếp nhận, lập hồ sơ... đành phải thả người vì tìm hoài không ra nạn nhân hoặc nạn nhân không hợp tác.

Đeo vàng giả nên… ngại nhận

Một trinh sát hình sự chia sẻ trong quá trình tuần tra, tổ công tác luôn phân công một người làm nhiệm vụ “giữ” nạn nhân “và việc này cũng chua lòm chứ không dễ ăn” - trinh sát nói.

“Có nhiều người bị cướp giật nhưng nhất quyết không chịu về công an phường hợp tác dù chúng tôi đã thuyết phục, xuất trình thẻ công an” - trinh sát cho hay.

Theo người này, có nhiều lý do để nạn nhân không chịu về công an phường làm việc. Có người bị kẻ gian giật hụt, chưa mất tài sản, người vì giá trị tài sản nhỏ, người sợ thủ tục rườm rà, người cho là “của đi thay người”, người vì sợ bị trả thù nên không hợp tác… “Nhưng bằng mọi cách, chúng tôi phải mời được nạn nhân về trụ sở công an làm việc. Bởi muốn xử lý kẻ cướp giật thì phải có nạn nhân” - trinh sát nói.

Trinh sát kể: Có nạn nhân chạy xe máy bị giật dây chuyền. Tổ công tác nhanh chóng truy đuổi kẻ cướp giật, một trinh sát được giao nhiệm vụ ở lại “giữ” bị hại. Tuy nhiên, nạn nhân nhất quyết không chịu theo trinh sát về trụ sở vì “của đi thay người”, “tôi bận lắm”...

Khi đồng đội báo tin là kẻ cướp giật đã bị bắt giữ cùng sợi dây chuyền tang vật, người “giữ” nạn nhân thông tin lại và mời người phụ nữ về trụ sở làm việc, nhận lại tài sản. “Thế nhưng chị này nhất quyết từ chối lấy lại tài sản đã mất. Trinh sát phải thuyết phục, động viên, thậm chí nêu “quyền và nghĩa vụ của công dân” với cơ quan chức năng thì chị này mới tiết lộ rằng không muốn nhận lại tài sản vì nó là… vàng giả nên không nhận lại” - trinh sát kể.

Khi biết lý do, các trinh sát phải giải thích: Vấn đề không phải là giả hay thật mà muốn xử lý kẻ cướp giật tài sản phải có nạn nhân. “Hôm nay chị bị giật vàng giả, chị không báo, kẻ cướp giật được thả ra, mai mốt bọn nó lại đi giật tiếp… Giải thích một hồi người này mới chấp nhận đi cùng trinh sát về phường” - trinh sát cho hay.

Trinh sát kể: Có vụ “khoai” hơn nhiều. Sau khi bị cướp, nạn nhân khóc chán chê thì phóng xe về nhà. Trinh sát phải bám theo, báo công an phường để mời nạn nhân đến làm việc. Có trường hợp trinh sát phải “cưỡng chế” nhưng nạn nhân bị cướp giật nhất quyết không hợp tác với công an. “Lần đó nạn nhân cương quyết không chịu hợp tác với công an. Tôi dùng nghiệp vụ là kiểm tra giấy tờ xe để mời về phường. Tới nơi, người này vẫn nhất quyết không hợp tác, còn điện thoại cầu cứu công an phường đến với mục đích “thôi cho chị về, mất rồi thì thôi”” - trinh sát cho hay.

Hai nghi can bị trinh sát hình sự Công an quận 1 tóm gọn vào đêm 21-11-2019 nhưng tại thời điểm đó bị hại không đến trình báo, không thu được vật chứng nên chưa đủ cơ sở xử lý hình sự. Ảnh: CACC

“Không thể kết tội bằng niềm tin”

Cuối tháng 6-2019, công an bắt băng nhóm cướp giật do Hồ Anh Tài (Tài “bu”) cầm đầu vì nghi có liên quan đến vụ cướp giật xảy ra trên đường Âu Cơ (quận 11).

Theo hồ sơ công an, băng nhóm này đã gây ra hàng chục vụ cướp giật trên khắp địa bàn TP.HCM, trong đó có quận 10 và 11. Tuy nhiên, sau khi bắt giữ, vài ngày sau cả Tài “bu” và Nguyễn Quốc Thái (tự Kutin) được cho… tại ngoại. Gây ra hàng chục vụ cướp giật nhưng chỉ có một nạn nhân và điều này gây khó khăn cho công tác điều tra. Công an đã thông báo tìm nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để củng cố hồ sơ, xử lý băng nhóm này.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11 cho biết: “Gia đình Nguyễn Quốc Thái (Kutin) và Hồ Anh Tài (Tài “bu”) bảo lãnh và đã làm cam kết, cả hai đang được tạm cho tại ngoại để củng cố chứng cứ, xử lý”.

Công an quận 11 cũng đã gặp nhiều trường hợp là không có nạn nhân của các vụ cướp giật trình báo. “Có trường hợp trinh sát truy bắt cướp giật bị té xe, phải điều trị cả năm nhưng không xử lý được vì không có nạn nhân” - vị lãnh đạo chia sẻ.

Ở quận 1, hồi tháng 4-2019, Công an quận 1 cũng tiếp nhận hồ sơ vụ cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn và công an đã làm việc với Nguyễn Đức Minh Tâm (19 tuổi, quận Bình Thạnh), Hà Hồ Hải (17 tuổi, quận Thủ Đức) và Dương Tuấn Tài (20 tuổi, quận 1).

Theo lời khai, băng nhóm này đã thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản trên địa bàn quận 1, quận 3. Lời khai của họ phù hợp với tài liệu, chứng cứ của Công an quận 1 thu thập được và công an cũng đã đưa ba thanh niên trên đi xác định địa điểm cướp giật tài sản như đã khai báo.

Tuy nhiên, công an gặp khó vì nạn nhân của các vụ án chưa đến cơ quan công an trình báo. “Có những vụ án cần phải có thời gian điều tra. Mỗi trình báo của một nạn nhân chính là tư liệu quý để chúng tôi nắm được phương thức hoạt động, thủ đoạn, từ đó nhanh chóng bắt được những đối tượng này. Nó cũng là căn cứ xử lý kẻ cướp giật” - trinh sát hình sự nói.

“Công an làm việc dựa trên chứng cứ, pháp luật. Không thể kết tội người khác bằng niềm tin. Muốn xử lý đối tượng cướp giật, một trong những yếu tố là phải có là nạn nhân” - Trung tá Mai Thống Nhất, cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), nói.

Trong thời gian qua, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ và đã phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp gây bức xúc, bất an trong nhân dân.

Năm 2019, phạm pháp hình sự kéo giảm 8,25% và là năm thứ năm liên tiếp TP.HCM kéo giảm phạm pháp hình sự.

TP.HCM có đông người nhập cư, người sử dụng ma túy liên quan đến tội phạm rất phức tạp. Để xử lý căn cơ tội phạm về cướp giật, trộm cắp cần có giải pháp về người nghiện ma túy.

Đại tá NGUYỄN SỸ QUANGPhó Giám đốc Công an TP.HCM, 
thông tin tại cuộc họp báo ngày 12-12-2019 

_______________________

Kỳ sau: Mệt mỏi khi trình báo công an

Những nạn nhân trong các vụ cướp giật nói về lý do họ không trình báo công an

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm